Trí thức là gì?

Đang cập nhật liên tục! Mới nhất: “Trí thức tức là người có học (?!)”

Một số ý kiến đáng suy ngẫm (một phần đã được Báo VietNamNet trích dẫn – Nghĩa hiện nay của từ ‘trí thức’ (pdf)):

***

  • “Kẻ nào không tham gia vào việc công thì phải là súc vật hay thần thánh!”  – Triết gia Aristotle
  • “Trí thức là những người có sự hiểu biết và biết thức tỉnh xã hội” – Giản Tư Trung
  • “Người trí thức là người không để cho xã hội ngủ” – GS. Cao Huy Thuần
  • “Có 4 hạng trí thức trong xã hội Việt Nam ngày nay. Hạng 1 là những người “trí thức thứ thiệt”, đau đáu với vận mệnh đất nước quê hương và sẵn sàng dấn thân, cho dù họ không được lòng của giới cầm quyền. Hạng 2 là những người cũng quan tâm đến đất nước và dân tộc, cũng bức xúc trước những bất cập của xã hội, nhưng họ không dám dấn thân; Thay vì dấn thân, họ co rút trong cái không gian và môi trường nhỏ bé là gia đình. Hạng 3 là những người không màn đến các vấn đề xã hội dù cũng có chút hiểu biết về chính trị, nhưng họ không lên tiếng, không có hành động, mà thay vào đó là thái độ xu nịnh và lo làm ăn vì quyền lợi kinh tế cá nhân; Họ là những người thiếu lập trường, không có niềm tin, nhưng lại rất hãnh diện về những học vị và học hàm (có thể là dỏm hay mua bán) của họ. Hạng 4 là những người cũng thông minh, nhạy cảm với thời cuộc, và sử dụng thông minh của mình để dèm pha người khác; họ là những con buôn chính trị” – Đào Tiến Thi
  • “Nhưng theo cách hiểu của tôi thì chỉ có hạng 1 là những người trí thức thật sự, còn hạng 2, 3 và 4 thì ngụy trí thức là đúng hơn” – GS. Nguyễn Văn Tuấn
  • “Trí thức là người có tầm nhìn đứng cao hơn tầm nhìn chuyên môn của một chuyên viên” – Nguyễn Quang Minh
  • “Xuất phát từ thái độ trân trọng những lo âu dằn vặt của người khác, đặc biệt của những tấm gương khả kính, tôi xin bầy tỏ thái độ trân trọng đối với những vị đã gợi ý câu hỏi “trí thức là gì?Phạm Việt Hưng
  • “Nhưng gạt bỏ (việc bàn về khái niệm trí thức – NV) để khuyên người khác là nên chuyên tâm vào những việc khác (như những việc đại sự của các nhà có tầm vóc đã làm) và cho là các người (bàn về khái niệm trí thức – NV) là làm chuyện “bánh vẽ” thì tôi cho là trẻ con (nhẹ) hay khinh người, fascist học thuật (nặng)” – Nguyễn Đức Hiệp
  • “Đã là trí thức thì phải là người có tầm, có trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội” – GS. Nguyễn Huệ Chi
  • “Biết bao giờ người Việt (ít ra là người Việt có học thức) mới biết tranh luận cho ra hồn” – GS. Phạm Quang Tuấn
  • Rõ ràng bạn không thể vừa được người ta cấp xe sang (hay tặng nhà to) lại vừa có Tự Do (hay Công Lý). Bạn chỉ có thể chọn một trong hai thứ đó. Lập luận rằng cưỡi xe BMW mới tiến được hoặc tiến nhanh hơn tới Công Lý (hay Tự Do) là ngụy biện, tự dối mình và lừa dối người khác. Đặc biệt, nếu bạn là một người lao động trí óc theo một chuyên môn nào đó, việc bạn chọn cái gì sẽ tự động xếp bạn vào hàng ngũ những ‘trí thức dự khuyết’, hay vào đám học giả xu thời đang ngày càng lạm phát trên đất nước này – TS. Nguyễn Đình Đăng
  • “Tôi luôn luôn tâm niệm lời dạy của Francois Rabelais: “Science sans conscience n’est que ruine de l’âme” (Khoa học vô lương chỉ là sự hư nát của linh hồn). Nói một cách dân dã thì khoa học chẳng là cái đinh gì cả nếu nó không luôn luôn tỉnh thức để đề cao lương tri. Kỳ vọng về phản biện của trí thức chẳng qua là kỳ vọng vào lương tri của trí thức, đơn giản có thế thôi. Chẳng lẽ điều đó sai ư?” – Phạm Việt Hưng
  • “Đóng góp theo kiểu người trí thức có nghĩa là dùng những khả năng mà người ta đặc biệt associate với trí thức: khả năng suy nghĩ độc lập, không để mình bị nhồi sọ hay bịt mắt, biết tự mình suy xét, khả năng tự học, tự tìm information, đánh giá và kết hợp information để có một cái nhìn đứng đắn về xã hội, tự tìm hiểu về những vấn đề của xã hội, và từ đó tự suy ra con đường phải làm gì do sự thúc đẩy của lương tâm. … Nhưng đánh đồng “trí thức” với “từ thiện” với “lao động trí óc” v.v. theo tôi, là muddled thinking” – GS. Phạm Quang Tuấn
  • Không có  tư duy phản biện, không phải là trí thức” – GS. Chu Hảo
  • “Một người không có khả năng dung nạp ý kiến khác mình (ví dụ phản đối việc bàn về khái niệm trí thức – NV) thì tôi nghĩ người đó chưa trưởng thành” – GS. Nguyễn Văn Tuấn
  • “Theo thiển ý của tôi, một người không tự coi là trí thức mà chỉ tự coi là một người có học, thì đối với người có học, “nhạy cảm” là một chữ hoàn toàn vô nghĩa. Worse, nó là một chữ mà người có học không thể chấp nhận được trong không gian tư tưởng của mình” – GS. Phạm Quang Tuấn
  • “Tôi có một ví von về cái gọi là đoàn kết, đồng thuận với một dàn nhạc. Một dàn nhạc có người chơi guitar, có người chơi bass, có người thổi kèn, có người đánh trống, v.v .  Tất cả âm thanh nếu nghe riêng lẻ có vẻ như hỗn độn, nhưng nhìn chung thì họ đều đóng góp làm cho bản nhạc hay. Nếu ai đó chỉ muốn nghe một nhạc cụ thì phiến diện quá. Nếu không muốn nghe thì cũng không nên chiếm chỗ làm gì. Đồng thuận không có nghĩa là mọi người nói cùng môt chữ, mọi người đều tung hô, mọi người đều làm một việc, vì như thế là nhồi sọ rồi.  Đồng thuận, theo tôi hiểu, là người ta có khác ý kiến nhưng tất cả đều nhắm đến một điểm chung là tìm ra sự thật (ví dụ như nội hàm của khái niệm trí thức – NV)” – GS. Nguyễn Văn Tuấn
  • “Bất cứ định nghĩa trí thức như thế nào, người trí thức phải có quyền bàn luận mọi vấn đề, nhìn soi mói mọi sự thật, cũng như một y sĩ không có quyền ghê sợ, buồn nôn, tránh né nhìn vào vết thương hay ung bướu. Nếu squeamish (nhút nhát, hay buồn mửa) thì đừng làm nghề y sĩ” – GS. Phạm Quang Tuấn
  • “Cuộc tranh biện về “trí thức” này dù muốn hay không thì nó cũng đã diễn ra. Khi nó diễn ra (hay lỡ diễn ra) thì có những cái không hay, nhưng cũng có cái được đó là, nhiều “trí thức” vô tình quên trách nhiệm xã hội của mình sẽ “tỉnh ngủ”, nhiều “trí thức” lâu nay “khó ngủ” thì sẽ dấn thân hơn, còn nhiều “trí dỏm” và “trí gian” cũng sẽ ít nhiều giật mình, và đặc biệt là, nhiều người chưa có khả năng của một trí thức (nhất là các bạn trẻ có tâm huyết) sẽ có ý thức hơn về năng lực và vai trò của “trí thức”, từ đó sẽ cố gắng học hỏi để có thể trở thành trí thức trong tương lai và sẵn lòng tự nhận lãnh những trách nhiệm xã hội của mình…” – Giản Tư Trung

  • “… một người có học thì không thể bàng quan trước vận mệnh của dân tộc mình, Tổ quốc mình. Người có học cũng không thể thờ ở trước số phận cộng đồng. Người có học không thể vô cảm trước những bất công, oan ức của nhân dân mình. Người có học không thể quay lưng lại trước nỗi đau của đồng bào mình và đặc biệt, người có học không thể xu phụ cường quyền để cầu danh lợi cho bản thân. Trong mắt mình, những ai bàng quan trước vận mệnh dân tộc, thờ ơ với số phận đồng bào, vô cảm trước bất công oan ức, quay lưng lại với nỗi đau của cộng đồng, xu phụ cường quyền để cầu danh lợi thì dù có bằng cấp cao đến đâu, thành tựu khoa học lớn đến mức nào chăng nữa cũng chỉ là kẻ vô học, nói gì đến trí thức – tầng lớp tinh hoa của một dân tộc.” – Bùi Hoàng Thám

Gần đây có nhiều bàn tán về trí thức là gì? Vai trò của trí thức?, v.v. Tôi nghĩ tôi cần học thêm về vấn đề này. Có mấy bài đáng suy ngẫm nên tôi lưu lại để học hỏi. Đối với những ý kiến chưa được công khai thì tôi đã xin phép và được sự đồng ý của tác giả trước khi post lên đây.

Mục lục:

  1. Về vai trò của trí thức
  2. Lại bàn về trí thức
  3. Cái bánh vẽ & ý kiến về bài viết này
  4. GS X ‘tự mâu thuẫn’?
  5. Trí thức, tự do, và công lí
  6. Câu chuyện trí thức hay là bàn về trách nhiệm xã hội của những người hiểu biết
  7. Lẽ phải không cần cái mác “trí thức” & ý kiến về bài viết này
  8. Nghĩa hiện nay của từ ‘trí thức’ & ý kiến về bài viết này
  9. Oleshuk Iu. F. – Trí thức nửa mùa
  10. Trí thức tức là người có học (?!)


 1. Về vai trò của trí thức

Về vai trò của trí thức In Email
Thứ ba, 24 Tháng 1 2012 01:04
https://i0.wp.com/tuanvietnam.vietnamnet.vn/Library/Images/55/2008/08/1908phanbien1.jpgTrước hết, cần phải nói đôi lời về chuyện “trí thức” này. Đây là bài viết của anh Nguyễn Quang Minh (Na Uy), người trong 2 năm qua từng gửi bàicho trang nhà này. Đây là ý kiến cá nhân của anh NQM, và trang nhà này chỉ là người đưa tin (messenger) như anh ấy có viết trong phần cuối bài viết. Cá nhân tôi sẽ không tham gia tranh luận, vì sẽ phải lo chuyện “cơm áo gạo tiền” trước rồi sẽ có ý kiến sau. Vả lại chuyện trí thức này là chuyện lâu dài, nên không cần gấp so với chuyện grant application. 🙂Vài lời thưa trước Thú thật với bạn đọc là do chuyện “cơm áo gạo tiền”, nên mấy tuần qua tôi không có chú ý — thậm chí không biết đến — những tranh luận chung quanh bài trả lời phỏng vấn của Gs Chu Hảo trên BBC và Gs Ngô Bảo Châu trên Tuổi trẻ cuối tuần. Đến khi nhận email của bạn bè bàn tán chung quanh bài này và bài của anh Nguyễn Quang Minh tôi mới đọc hết bài trả lời phỏng vấn. Đọc xong tôi muốn có vài ý kiến nhỏ. Chỉ là những ý kiến cá nhân – dĩ nhiên.Cá nhân tôi là một trong những người ngưỡng mộ thành tựu nghiên cứu của NBC, và đọc bài này tôi cũng thích những ý kiến sâu sắc của anh ấy. Có những câu chữ người ta trích ra để nhận xét và bàn tán nhiều kể ra cũng khó hiểu và “nước đôi”, nhưng nhà khoa học là thế. Đối với nhà khoa học, lúc nào cũng nhìn một vấn đề qua nhiều lăng kính khác nhau. Trước một dữ liệu, có nhiều cách diễn giải. Và những cách diễn giải đó có thể không phù hợp với quan điểm của người này nhưng không bất đồng với quan điểm của người kia. Đó là chuyện bình thường. Riêng cá nhân tôi thì có ý kiến khác với anh ấy về thế nào là trí thức và cái gọi là “phản biện”. Trước đây, tôi đã có bàn về phản biện và không thích danh từ này, và nghĩ rằng cách dùng hiện nay là không đúng, nhất là trong khoa học.

Quay lại câu chuyện trí thức. Có lẽ không cần nhắc lại một khác biệt hiển nhiên giữa người có học và người trí thức. Có học cao hay có chuyên môn cao, cho dù là giáo sư, không phải là điều kiện đủ để làm người trí thức, nhưng một người không có học cao và chẳng cần phải “lao động trí óc” (ai cũng cần trí óc để lao động!) cũng có thể là nhà trí thức.

Để phân biệt trí thức với phi trí thức, có lẽ chúng ta phải xem thế nào là phi trí thức. Edward Said, một nhà trí thức nổi tiếng, từng nói đại khái rằng những người có học nhưng không phải là trí thức là những kẻ thụ động tinh thần. Họ chấp nhận một cách dễ dãi những gì được dạy. Họ không chịu nỗ lực suy nghĩ chín chắn về những vấn đề xã hội. Họ không có khả năng hình thành ý kiến độc lập với những gì được nhiều người công nhận. Họ có thể là một chuyên gia có kiến thức chuyên môn cao, nhưng kiến thức ngoài chuyên môn của họ thì tương đương với kiến thức của một người thường dân. Đó là đặc điểm của người không phải là trí thức nhưng có học cao và lao động chủ yếu dựa vào trí óc.

Theo tôi, cái căn cước của người trí thức, do đó, không phải dựa vào công việc của họ, mà là thái độhành động, và những giá trị mà họ muốn gìn giữ, dấn thân. Sứ mệnh của người trí thức là xiển dương tự do và truyền bá kiến thức. Vai trò của người trí thức là không phải thu tóm quyền thế, nhưng là hiểu, diễn giải, và chất vấn thế quyền. Người trí thức phải nói sự thật cho kẻ có quyền thế, dù những sự thật đó đi ngược lại giáo điều. Vì thế, người trí thức đích thực về mặt tinh thần có thể là người ngoài cuộc, và tự mình sống lưu vong và sống bên lề xã hội.

Thế giới phương Tây còn có khái niệm trí thức của công chúngpublic intellectual. Họ là những người trí thức dấn thân vào những vấn đề xã hội công hơn là những vấn đề mang tính học thuật chuyên ngành. Khi các nhà khoa bảng viết và diễn thuyết trước một diễn đàn lớn hơn diễn đàn chuyên ngành của họ, thì người đó là một nhà trí thức công. Alan Lightman (MIT) phân biệt 3 cấp trí thức công. Cấp I là những người viết và diễn thuyết trước những diễn đàn trong ngành nghề của họ. Cấp II là những người viết và diễn thuyết về chuyên môn của họ và liên đới với môi trường xã hội, văn hoá và chính trị. Cấp III là những người trở thành biểu tượng cho một việc gì đó lớn hơn chuyên ngành mà họ xuất thân. Họ thường được mời để viết và diễn giải về những vấn đề công mà không nhất thiết nằm trong chuyên ngành của họ. Einstein là một ví dụ tiêu biểu cho trí thức công cấp III, vì ông thường được mời nói chuyện về tôn giáo, giáo dục, đạo đức, triết học, chính trị, dù chuyên ngành của ông là vật lí. Einstein là biểu tượng của lí trí và tinh tuý của nhân loại. Những trí thức cấp III ngày nay có thể kể đến là Noam Chomsky, Carl Sagan, EO Wilson, Steven Jay Gould, Edward Said, Steven Pinker, v.v.

Do đó, vai trò của người trí thức là lên tiếng trước những vấn đề xã hội. Viết đến đây thì tôi nhận được ý kiến của một anh bạn mà tôi thấy anh đã nói những gì tôi dự định nói thêm. Vậy xin trích ý kiến của anh bạn tôi ở đây:

“Về chữ ‘trí thức’, không biết trong các ngôn ngữ khác thì sao chứ trong tiếng Anh, một ‘người trí thức’ (an intellectual) và một ‘người lao động trí thức’ (an intellectual worker or non-manual worker) là hai động vật hoàn toàn khác nhau. Nói cho gọn thì người intellectual phải tham gia vào public debate về những vấn đề liên quan đến xã hội, còn intellectual worker thì chỉ đóng góp chuyên môn.

[…]

Nếu NBC không phân biệt được hai cái thì rõ ràng là trong suốt thời gian làm việc ở Pháp và Mỹ ông đã tập trung vào ‘lao động’ mà không quan tâm tới mở mang ‘trí thức’, ít ra là đủ quan tâm để hiểu ‘intellectual’ có nghĩa là gì.

NBC đã đóng góp cho VN bằng giải Fields của ông, đây là 1 đóng góp về chuyên môn của một intellectual worker, và người Việt chúng ta đều có thể ‘hãnh diện lây’. Chúng ta đừng nên tham lam mà kỳ vọng gì thêm ở ông như một người trí thức.”

NVT

====

Sau đây là bài của anh Nguyễn Quang Minh:

Về trí thức

Nguyễn Quang Minh

Những ý kiến của Gs X lại gây ra tranh cãi. Lần này, ông bàn về định nghĩa và vai trò của người trí thức. Ông nói: “Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm ‘trí thức’”, và “Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm ‘trí thức’? Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.” Theo tôi, đó là một quan điểm cần phải phản biện và thách thức công khai.

Tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm trí thức là người lao động trí óc. Tôi hiểu “lao động trí óc” ở đây là những người có bằng cấp đại học, công chức, nhà khoa học, chuyên gia … để phân biệt với những người làm việc chân tay (công nhân, nông dân, thợ). Trong thực tế, ai cũng sử dụng trí óc để làm việc. Người nông dân, người thợ máy, anh kỹ sư, chị bác sĩ đều sử dụng trí óc. Do đó, định nghĩa trí thức dựa vào bằng cấp và công việc e không ổn. Trí thức là một tấm gương sống, chứ không hẳn là người có bằng cấp. Tấm gương đó là dấn thân xã hội cho những mục tiêu cao cả và chấp nhận nguy hiểm cho bản thân. Trí thức là người có tầm nhìn đứng cao hơn tầm nhìn chuyên môn của một chuyên viên. Do đó, tôi cũng không đồng ý khi ông nói rằng phản biện xã hội không phải là tiêu chuẩn của một người trí thức. Đã là trí thức thì phải có tư tưởng độc lập và sẵn sàng lên tiếng phê phán, thậm chí phản kháng, một tư tưởng độc hại.

Với quan niệm trí thức như thế, tôi cho rằng Gs X không phải là một trí thức. Ông là một người làm việc trí óc, nhưng không phải là một nhà trí thức. Xin nói thêm hai nhận xét để bổ sung cho ý kiến đó của tôi.

Trước hết là vấn đề lợi dụng trí thức. Nhà nước dùng tiền thuế của dân để đánh bóng thái quá Gs X, mục đích lấy tiếng thơm. Đỉnh cao là diễn viên chính tại Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia ở Hà Nội, tối 29/8-2010. Là một người có một chút tỉnh táo và tự trọng, ai cũng thấy ngượng bởi quá tốn kém. Rồi lại giao cho ông cái Viện Toán với một bó tiền tươi, một căn hộ cao cấp, cũng từ thuế của dân. Không ai phủ nhận tài năng toán học của Gs Châu, nhưng “bổ đề cơ bản, chương trình Langlands”, thực ra đến lúc này còn mông lung với đời sống thực tại với đại đa số người dân nước Việt.

Gần thị trấn chúng tôi cư ngụ, cách 10 km, gọi là Gjesdal, có ông Gs Finn Erling Kydland, được giải Nobel kinh tế học năm 2004, về đến sân bay, chẳng có chính quyền địa phương nào ra đón hay kèn trống rùm beng. Báo chí đưa tin bình thường. Mãi đến năm 2011, đại học kinh tế Na Uy (Norwegian School of Economics, NHH, nơi ông từng học, cấp cho ông ấy bằng tiến sĩ danh dự (doctor honoris causa), cùng với 9 người khác, nhân dịp đánh dấu 75 năm lịch sử của trường. Ông không có đặc quyền gì cả. Đó là cách ứng xử của một xã hội trưởng thành về tri thức.

Tiếp theo là những phát biểu “ai muốn hiểu sao thì hiểu”. Gs X nổi tiếng một dạo, với câu tuyên bố khá thời thượng: “bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”. Sau đó, ông lên tiếng trên blog về vụ án Ts Cù Huy Hà Vũ, được bàn tán đình đám và gây tranh cãi; sau đó, hình như ”rét quá” (?), đóng blog giã từ không một lời chia tay. (hình như anh ta mới mở blog lại). Nhìn lại chặng đường Gs X đi đến nay, tôi thấy Gs X đi nhiều hàng, dân miền Nam gọi là đi chàng hảng. Dường như ông nói theo gió; gió chiều nào, lợi cho ông, ông đi, bất kể lề trái, lề phải hay giữa lề. Ông lấn sang lề cả con cừu và con sói. Thỉnh thoảng sa đà vào những chuyện PR, ban lời vàng ngọc cằn cỗi như các ông lãnh đạo trong chính phủ rất thiếu logic toán học.

Mỗi người tự do chọn lựa cho mình một con đường và một thái độ chính trị nhưng nói phải đi đôi với làm. Đó là thái độ chân chính của người trí thức: tri hành hợp nhất. Thiết tưởng một người như Gs X không nên để chính phủ lợi dụng, càng không biến thành một đối tượng để hợp thức hoá quan điểm của Mao chủ tịch: “trí thức là cục phân”.

Xin nhắc lại lời của Voltaire mà tôi đọc được từ blog của một vị nào đó: “Tôi có thể không đồng ý với điều anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết quyền của anh được nói điều đó”. Vì thế, tôi thỉnh Gs X lên tiếng và xin mượn đất facebook của Osin HuyDuc hay nguyenvantuan.net để tranh luận một cách đối trọng mấy chuyện trên cho ra nhẽ.

Nguyễn Quang Minh

21.01.2012, cuối năm con mèo.

Ghi thêm:

Trên xa lộ blog những ngày cuối năm con mèo, bàn dân thiên hạ bàn khá nóng về“người trí thức”, trong đó có lời phát biểu trên báo, trên đài … của Gs Chu Hảo, X.

http://tuoitre.vn/Giao-duc/474615/Giao-su-Ngo-bao-Chau-Ban-tre-van-day-niem-tin-tuong-lai.html

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/01/120118_vn_intelligentsia_feedbacks.shtml

http://daohieu.wordpress.com/2011/04/11/pha%cc%89ng-pha%cc%81t-mo%cc%a3t-ca%cc%81i-mu%cc%80i/http://quechoa.info/2012/01/22/gửi-ngo-bảo-chau/

Nguồn: GS. Nguyễn Văn Tuấnhttp://nguyenvantuan.net/news/6-news/1416-ve-vai-tro-cua-tri-thuc

==============================

2. Lại bàn về trí thức

Lại bàn về trí thức In Email
Thứ tư, 25 Tháng 1 2012 01:29

https://i0.wp.com/www.wpclipart.com/people/male/thinker/thinker.pngCâu chuyện trí thức lại trở nên ồn ào trong không gian cyber. Có quá nhiều ý kiến mà tôi khó có thể theo dõi hết. Nhưng sự ồn ào chung quanh câu chuyện là một dấu hiệu cho thấy xã hội đang … thiếu trí thức, vì nói như anh Nguyễn Vạn Phú nếu có thì đâu có ai bàn thảo làm gì. Tôi sưu tầm được vài bài (không hẳn phù hợp với quan điểm của tôi), một số là do tác giả gửi, và post lại trên trang web này, trước là làm tư liệu (để sau này có dịp bàn), sau là chia sẻ cùng các bạn.

Bài thứ nhất của anh Giản Tư Trung, bàn về trách nhiệm xã hội của giới trí thức. Ngay từ đầu, anh theo định nghĩa ví von của Gs Cao Huy Thuần, người trí thức là người không để cho xã hội ngủ. Cách ví von này đọc rất vui nhưng cũng gần với thực tế. (Nó cũng giống như định nghĩa văn hoá của Gs Trần Ngọc Ninh: văn hoá là cái gì của mình khác người ta – tôi nhớ lõm bõm như thế, chứ không chính xác từng chữ). Một cách để người trí thức đánh thức xã hội là dùng hiểu biết và uy tín chuyên môn của mình để xác lập chuẩn mực xã hội và thúc đẩy phát triển xã hội. Có lẽ đây là loại trí thức công cấp II mà tôi có đề cập đến trong bài trước.

Bài thứ hai của “Lại nói về chuyện chữ Tâm của người trí thức” của tác giả Đào Tiến Thi đăng trên trang nhà của Ts Nguyễn Xuân Diện. Bài này thật ra là một “tham luận” và bàn thêm bài của Ts Nguyễn Thị Từ Huy. Tác giả nhận diện và phân biệt 4 hạng trí thức trong xã hội Việt Nam ngày nay. Hạng 1 là những người “trí thức thứ thiệt”, đau đáu với vận mệnh đất nước quê hương và sẵn sàng dấn thân, cho dù họ không được lòng của giới cầm quyền. Hạng 2 là những người cũng quan tâm đến đất nước và dân tộc, cũng bức xúc trước những bất cập của xã hội, nhưng họ không dám dấn thân. Thay vì dấn thân, họ co rút trong cái không gian và môi trường nhỏ bé là gia đình. Hạng 3 là những người không màn đến các vấn đề xã hội dù cũng có chút hiểu biết về chính trị, nhưng họ không lên tiếng, không có hành động, mà thay vào đó là thái độ xu nịnh và lo làm ăn vì quyền lợi kinh tế cá nhân. Họ là những người thiếu lập trường, không có niềm tin, nhưng lại rất hãnh diện về những học vị và học hàm (có thể là dỏm hay mua bán) của họ. Hạng 4 là những người cũng thông minh, nhạy cảm với thời cuộc, và sử dụng thông minh của mình để dèm pha người khác; họ là những con buôn chính trị. Nhưng theo cách hiểu của tôi thì chỉ có hạng 1 là những người trí thức thật sự, còn hạng 2, 3 và 4 thì ngụy trí thức là đúng hơn.

Bài thứ ba là của Lê Phú Khải, một tác giả mà tôi ái mộ từ lâu qua những bài phóng sự của anh về Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi vẫn còn một cuốn sách của anh, trong đó có nhiều số liệu quí. Bài này của anh LPK rất … gay gắt, nhưng có nhiều dữ liệu hay. Bài có tựa đề là “Trí thức, trí ngủ và trí trá”, đọc lên đã mang tính “chiến đấu” :-). Tôi thích những giai thoại anh kể trong bài này, như lúc cụ Hồ ngắt lời phi hành gia Gherman Titov và khuyên giới khoa học nên nghiên cứu những gì “là là dưới mặt đất” thôi, và Đại tướng Võ Nguyên Giáp khuyên các nhà toán học nên nghiên cứu toán ứng dụng. Là người làm về khoa học thực nghiệm, nên tôi có xu hướng nghiêng về các vấn đề mang tính ứng dụng. Nhưng kinh nghiệm tôi cho thấy nghiên cứu ứng dụng không dễ chút nào, nếu không muốn nói là rất rất khó. Có lần tôi viết rằng chúng ta cần nhiều nhà khoa học toán (mathematical scientists) hơn là nhà toán học (mathematician). Nhà khoa học toán không chỉ am hiểu toán mà còn là một nhà khoa học, biết làm thí nghiệm theo qui trình của phương pháp khoa học. Đó cũng là toán ứng dụng vậy. Nhưng tôi lại nghĩ nếu chúng ta có khả năng làm toán cao cấp thì cứ làm, không nên ngăn cản. Vấn đề là ưu tiên cho lĩnh vực nào trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay. Trong điều kiện hiện nay, nếu bạn có 20 triệu USD trong tay, bạn sẽ đầu tư vào việc xây một bệnh viện mới hoặc đào tạo 1000 bác sĩ chuyên khoa, hay để thực hiện những seminar về một lĩnh vực hẹp nào đó mà rất ít người hiểu được (chưa nói khả năng ứng dụng), thì bạn cho đầu tư cho lĩnh vực nào? Định ra ưu tiên là việc của nhà quản lí và cơ quan tài trợ, và điều này đòi hỏi sự sáng suốt (tầm) và đức (tâm) của Nhà nước.

Nhân bài của anh LPK, tôi nhớ đến một bài phân tích trước đây, tôi có so sánh 10 lĩnh vực nghiên cứu hàng đầu của VN và Thái Lan qua con số ấn phẩm khoa học. Bảng số liệu dưới đây trình bày số ấn phẩn khoa học năm 2008 trên các tập san khoa học quốc tế của VN và Thái Lan. Mười ngành khoa học VN có ấn phẩm khoa học nhiều nhất tập trung vào các lĩnh vực lí thuyết và công nghệ thấp. Trong khi đó 10 ngành hàng đầu của Thái Lan là những lĩnh vực ứng dụng và công nghệ cao, có thể đóng góp trực tiếp cho kinh tế. Ngành vật lí và toán của Thái Lan thậm chí không nằm trong khoa học “top 10”, nhưng chúng ta biết thu nhập của người Thái Lan cao gấp ta ~9 lần.

Việt Nam Thái Lan
Vật lí (76) Dược học (189)
Y tế công cộng (69) Công nghệ thực phẩm (168)
Toán lí thuyết (66) Công nghệ sinh học và vi sinh học (161)
Y học nhiệt đới (54) Sinh học phân tử và sinh hóa (150)
Vật lí chất rắn (35) Khoa học vật liệu (137)
Khoa học môi trường (34) Vi sinh học (130)
Bệnh truyền nhiễm (33) Khoa học môi trường (127)
Vật lí ứng dụng (30) Bệnh truyền nhiễm (127)
Khoa học vật liệu (24) Polymer (126)
Kĩ thuật (21) Kĩ thuật hóa học (121)

Nhưng chúng ta đang bàn về trí thức, chứ không phải đầu tư cho khoa học! Ba bài tôi giới thiệu dưới đây cung cấp những quan điểm về thế nào là trí thức và vai trò của trí thức. Cái mẫu số chung mà ai cũng đồng ý là bằng cấp và chức vụ là điều kiện (có thể) cần chứ chưa đủ cho một người trí thức. Chiếc áo cà sa không làm nên thầy tu, có bằng cấp cao – dù là mua hay dỏm – không làm nên người trí thức. Những người có bằng cấp, chức danh, và tư cách mà không ưu tư với tình thế của đất nước, không quan tâm đến xã hội, không dám lên tiếng trước những bất công, chỉ lo vinh thân phì da, v.v. thì những kẻ đó không phải là trí thức. Tiếng Anh có một chữ để mô tả những hạng người như thế: idiot – kẻ ngu xuẩn. Triết gia Aristotle đã quan niệm rằng con người là những political animals (hiểu theo nghĩa những động vật sống trong một thành phố chứ không phải là những nhóm cô lập), và ông kết luận nếu kẻ nào không tham gia vào việc công thì kẻ đó chưa là những human – con người. Có thể chiếu theo quan điểm của Aristotle để phân định trí thức với idiot.

NVT

====

Bài 1:

Câu chuyện trí thức hay là bàn về trách nhiệm xã hội của những người hiểu biết?

Giản Tư Trung

Tôi cảm thấy học hỏi được khá nhiều từ những góc nhìn khác nhau về khái niệm trí thức đang được chia sẻ trên diễn đàn. Riêng tôi, từ một góc nhìn, tôi hiểu nôm na, trí thức là người có trí và không để cho xã hội ngủ. Nếu ai đó có “trí” nhưng lại để cho xã hội “ngủ” thì gọi là “trí ngủ”, chứ không phải là “trí thức”. Như vậy có 2 điều kiện để hình thành trí thức: “có trí” (sự hiểu biết) và “không để cho xã hội ngủ” (thức tỉnh xã hội).

Do vậy, bàn về trí thức thì cũng chính là bàn về trách nhiệm xã hội của những người hiểu biết (“hiểu biết” ở đây được tạm hiểu là hiểu biết hơn so với mặt bằng chung của xã hội về một vấn đề nào đó, một khía cạnh nào đó, một ngành nghề hay lĩnh vực nào đó). Tôi rất thích một câu nói của Einstein “Thế giới này là một nơi nguy hiểm, không phải vì những kẻ xấu xa mà vì những người chỉ biết đứng nhìn và không làm gì cả”. Câu nói này nói về trách nhiệm xã hội (trách nhiệm “làm người”) của một người bình thường đối với cái xã hội hay cái cộng đồng mà mình đang sống. Một người bình thường vô cảm thì đáng phê phán, còn một người có hiểu biết sâu sắc và được lắng nghe mà yên lặng thì còn đáng phê phán hơn. Một người bình thường còn có trách nhiệm xã hội như vậy, đối với những người có hiểu biết thì trách nhiệm xã hội này còn lớn hơn.

Nói cách khác, vai trò của những người có hiểu biết là: dùng sự hiểu biết (và cả uy tín) của mình để góp phần giúp cộng đồng phân định rõ hơn sự đúng-sai, phải trái, hay-dở, tốt-xấu, nên-không nên… trước những vấn đề chung mà xã hội đã, đang và sẽ gặp phải hay trải qua; dùng sự hiểu biết của mình để truyền bá tinh thần, tư tưởng, quan điểm… mà mình tin là cần thiết để góp phần thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng tiến bộ; dùng sự hiểu biết của mình để góp phần xác lập những chuẩn mực xã hội, những thang giá trị xã hội, góp phần định hướng và định hình xã hội… Tất nhiên sự phân định, sự truyền bá, sự xác lập hay sự định hướng, định hình này cũng cần phải dựa trên cái chuẩn là những giá trị vượt không gian và vượt thời gian, những giá trị có tính phổ quát của thế giới đương đại. Và tất nhiên, để thực hiện trách nhiệm xã hội của mình thì người hiểu biết có thể nói, có thể viết, hay có thể làm gì đó. Vì làm một điều tốt cũng là cách gián tiếp góp phần đấu tranh tiêu diệt cái xấu; làm một điều đúng, cũng là cách gián tiếp góp phần chỉ cho người khác thấy những cái sai…

Không ai được phép độc quyền chân lý, nhưng ai cũng được quyền góp phần xác lập chân lý. Và chân lý thường không thuộc về số đông, mà thường thuộc về những người có hiểu biết, thường gọi là giới trí thức hay giới tinh hoa (và đôi khi chân lý tạm thời thuộc về “kẻ mạnh” bất kể sự hiểu biết và khả năng lắng nghe của họ như thế nào, bởi kẻ mạnh mà thiếu hiểu biết thì họ sẽ nắm giữ cả pháp lý lẫn đạo lý theo cách mà họ muốn để bảo vệ họ và quyền lực của họ).

Khi bàn về trí thức thì người ta thường bàn về vai trò của trí thức (thậm chí có người nói là thiên chức của trí thức). Tuy nhiên, cũng cần phải bàn về “điểm mù” của trí thức dù trí thức có cái trí hơn người. Bởi lẽ trí thức cũng là con người, mà đã là con người thì cũng sẽ có cái nhầm, có lúc sai mà mình không hề biết. Điểm mù ở đây được hiểu là “mình không biết cái mà mình không biết”. Khi chia sẻ, tranh luận hay góp ý sẽ giúp mỗi người nhìn thấy điểm mù của người và của mình. Khi nhận ra điểm mù của mình cũng là lúc “mình biết rõ cái mà mình không biết”; và khi nhận ra những “cái mà mình không biết” cũng là lúc cảm thấy mình thực sự hiểu biết. Do vậy, cùng với trách nhiệm “thức tỉnh xã hội” thì trí thức cũng có một trách nhiệm với bản thân là liên tục “phản tỉnh chính mình”, phản tỉnh với những điểm mù (nếu có) của mình.

Ở những xã hội bình thường thì có lẽ vai trò của trí thức là hướng sự bình thường đến sự phi thường; còn đối với những xã hội mà còn đầy rẫy sự bất thường thì sứ mệnh lớn của trí thức chắc hẳn là góp phần đưa sự bất thường đó trở về sự bình thường. Nói cách khác, trong những xã hội mà sự bất thường đang bao trùm thì trách nhiệm của người trí thức còn nặng nề hơn (vì có quá nhiều cái cần phải thức tỉnh) và nguy hiểm hơn (vì không dễ dàng để làm chuyện thức tỉnh trong những xã hội này)…

Nhưng, nếu là người có hiểu biết thì không thể không làm gì cả, bằng cách này hay cách khác, dù nhỏ bé hay lớn lao, dù ồn ào hay lặng lẽ…

Vài dòng tản mạn cùng anh em.

Mồng 2 Tết Nhâm Thìn, 2012

Giản Tư Trung

Bài 2:

Lại nói về chuyện chữ Tâm của người trí thức

Đào Tiến Thi

Nhân chủ đề TÀI và TÂM mà TS. Nguyễn Thị Từ Huy nêu ra (Blog Nguyễn Xuân Diện ngày 21-1-2012 (28 Tết), tôi muốn góp thêm một chút. Trong bài của chị Từ Huy (T.H), chữ “tài” và chữ “tâm” thực tế không phải là “tài” và “tâm” nói chung mà là “tài” và “tâm” của người TRÍ THỨC. Còn bài này chỉ bàn về chữ TÂM của người trí thức mà thôi.

Nhân chị T.H nhắc đến bài thơ Bán vàng của Nguyễn Duy, nên thay cho mở bài, tôi xin chép hầu quý độc giả một đoạn. (Tôi thuộc bài thơ này ngay khi nó đăng lần đầu ở báo Văn nghệ khoảng 1987 – 1988):

Tâm hồn ta là một khối vàng ròng

Đành đem bán bớt đi từng mảnh nhỏ

Mảnh này vì con, mảnh này vì vợ

Mảnh này vì cha mẹ, em ta

Giữ ngọc gìn vàng biết mấy công phu

Ta giàu lắm mà con ta đói lắm

Ta vương giả mà vợ ta lận đận

Cha mẹ ta trong lụt bão trắng trời

Ta mơ màng, ta uốn éo, ta lả lơi

Để mặc kệ mái nhà xưa dột nát

Mặc kệ áo quần thằng cu nhếch nhác

Mặc kệ bàn tay mẹ nó xanh xao

Ta rất gần bể rộng với trời cao

Để xa cách những gì thân thuộc nhất

Nồi gạo hết lúc nào ta chả biết

Thăm thẳm nỗi lo, mắt vợ u sầu

Viên thuốc nào dành để lúc con đau

Vợ nằm đó xoay sở mần răng nhỉ ?

Cơn hoạn nạn bỗng làm ta tĩnh trí

Ngọn gió tha hương lạnh toát da gà

Cái ác biến hình còn lởn vởn quanh ta

Tai ách đến bất thần không báo trước

Tờ giấy mong manh che trở làm sao được

Một câu thơ chống đỡ mấy mạng người…

Nhân vật trữ tình ở đây là một nhà thơ, tức là người trí thức. Anh ta tự nhận “Tâm hồn ta là một khối vàng ròng” nhưng mà rồi “Đành đem bán bớt đi từng mảnh nhỏ/ Mảnh này vì con, mảnh này vì vợ/ Mảnh này vì cha mẹ, em ta…”

Thế mới biết cuộc mưu sinh nó ác lắm. Xuân Diệu cũng từng viết:

Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt

Cơm áo không đùa với khách thơ

Bởi vậy, tuy tôi chia sẻ với nỗi bức xúc của chị T.H về lối sống thực dụng “sát sạt” của nhiều trí thức hiện nay, nhưng tôi vẫn nhìn ở sự thông cảm nhiều hơn.

Một ông giáo sư dù tài giỏi đến mấy thì cũng phải sống cuộc đời thường như tất cả mọi người, không phải là thánh. Cho nên, cái ông giáo sư mà chị T.H nói đến, theo tôi, cũng chưa chắc (chưa chắc thôi) đã là người xấu. Bởi vì tuy việc đọc nhận xét luận văn của ông có chế độ của nhà nước nhưng cái giá này quá bèo. Nếu đọc cho kĩ thì rõ ràng nó chẳng tương xứng tí nào. Cho nên theo lệ thường đã từ rất lâu rồi, bất cứ ai đưa đọc luận văn, dù luận văn cao học (thạc sỹ) hay nghiên cứu sinh (tiến sỹ) đều có khoản thù lao thêm cho thầy. Và tôi nghĩ thế cũng là chính đáng. Vấn đề là nhận thế nào cho phải chăng. Theo tôi, ông thầy không đòi hỏi, mà nếu trò có đưa nhiều thì nên trả bớt lại, nhất là với trò nghèo, và nhất là với trò nghèo mà lại giỏi. Càng không nên vì tiền nhiều tiền ít mà nhận xét sai lạc luận văn. Lương tâm là ở chỗ ấy, chứ không phải cứ nhận tiền là mất lương tâm. Tôi có mấy giáo sư dạy mình hồi làm thạc sỹ, sau này luôn động viên tôi đi làm tiếp tiến sỹ, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên tôi ngại đi. Có lần trong bàn tiệc có nhiều giáo sư bậc thầy, một giáo sư bảo tôi: “Nếu chú mày đi làm tiến sỹ, các thầy ở đây đều hết sức giúp đỡ, không ai lấy tiền của mày đâu”. Tôi nghĩ đó là một thái độ thành thực, sòng phẳng và tốt bụng. Tôi có một anh bạn là phó giáo sư ở một viện nghiên cứu nọ, một lần nhân đề cập chủ đề này, anh bảo: “Mình vẫn thường nhận tiền thù lao đọc phản biện. Nhận tiền thù lao này không những không xấu mà còn chính đáng. Còn ông nào không thích nhận thì tùy, thì cũng tốt thôi. Nhưng mình không chấp nhận có một ông nọ không nhận nhưng lại cầm phong bì đến cơ quan để bêu riếu người học trò đó trước mọi người”.

Đối với các bác sỹ, tầng lớp mà bây giờ dư luận xã hội hay chê trách, nhưng tôi không thấy họ xấu đến như thế. Lương họ còn thấp hơn cả lương giáo viên, việc thì lại vất vả hơn giáo viên. Và cũng chẳng dễ có việc làm thêm như giáo viên. Vậy thì lấy lý do gì để đòi hỏi quá nhiều ở họ? Lấy lý do gì để áp đặt vào họ cái gọi là Y ĐỨC, trong khi lại chẳng áp đặt những cái khác, cần thiết hơn, thực thi hơn, như QUAN ĐỨC, LẠI ĐỨC, CẢNH SÁT ĐỨC,… Mỗi lần đến bệnh viện, tuy cũng không ít những việc làm tôi bực mình, nhưng tôi thấy thương các thầy thuốc nhiều hơn là sự khó chịu. Hai mươi chín Tết năm ngoái, tôi đến bệnh viện Hòe Nhai (Hà Nội) để hỏi về tình trạng bệnh của vợ tôi (đang điều trị tại nhà), bác sỹ Đ.N.L vẫn rất chu đáo giải thích tình trạng bệnh của vợ tôi, hướng dẫn cách dùng thuốc, cách ăn uống hợp lý,… Và tôi thấy xung quanh các bác sỹ, các y tá vẫn làm việc tất bật như ngày thường (trong khi hầu hết các cơ quan đã nghỉ Tết), khiến tôi rất cảm động.

Trên kia là phần cảm thông của tôi. Cảm thông về những người làm khoa học nhưng đồng lương không đủ sống, vẫn phải lo toan kiếm sống bằng cách khác để con cái không đến nỗi tủi thân thua thiệt, nhưng chính họ lại chịu sự xét đoán cao hơn mọi người.

Tuy nhiên, tôi cũng xét đoán người trí thức khắt khe hơn TS. Nguyễn Thị Từ Huy ở chỗ khác. Cái TÂM của người trí thức theo tôi không thể chỉ trong ứng xử đời thường, trong những việc thuộc về VI MÔ như chị T.H nêu. Cái TÂM của người trí thức còn phải hướng tới những vấn đề VĨ MÔ, tức những vấn đề của đất nước, của nhân dân, và của thời đại nữa.

Theo tiêu chí đó, theo tôi hiện nay nước ta có 4 hạng trí thức:

1. Hạng đau đáu với vận mệnh đất nước và nhân dân. Xin lấy mấy câu của nhà văn Phạm Ngọc Luật viết về hạng trí thức này thay cho nhận xét của tôi: “Họ không mũ ni che tai. Không lạnh tanh máu cá. Không chép miệng triết lý vặt. Họ là những trí thức dấn thân. Họ nói và làm có thể không theo một khuôn phép thông lệ. Có thể nó đắng hơn mướp đắng, cay hơn ớt, xốc hơn mù tạt, nhưng không giả”.

Hạng thứ nhất này hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (không biết có nổi một phần nghìn hay không) và hiện nay đánh giá về họ có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Thông thường, trong cộng đồng, họ bị chê là “hâm”, là “ngu”, là “điếc không sợ súng”, nhưng đấy chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Trong thâm tâm sâu thẳm, mỗi công dân vẫn nhìn họ với thái độ kính phục (tuy rằng đa số chỉ “kính nhi viễn chi” mà thôi), cho nên theo tôi họ là linh hồn của đất nước, nhân dân nhìn vào họ để lấy chút niềm tin vào cuộc sống. Vì những hoạt động của họ là vì đất nước và nhân dân, cho nên mặc dù nhà cầm quyền nhiều khi không ưa họ nhưng có lẽ vẫn thấy sự có mặt của họ là cần thiết, nhất là trong một số vấn đề “nhạy cảm” mà nhà nước thì không tiện hiện diện. Thử hỏi nếu không có họ thì làm sao hồi năm 2010, Hội Địa lý Hoa Kỳ sửa tên địa danh Hoàng Sa, Trường Sa vốn lúc đầu mang tên Trung Quốc? Nếu không có họ thì làm sao mới đây tạp chí Nature và tạp chí Science tuyên bố không cho đăng bản đồ Biển Đông có hình lưỡi bò?

2. Hạng có quan tâm, có “biết cả”, cũng đau khổ, cũng bức xúc ít hoặc nhiều nhưng nhìn chung không động tay động chân một việc gì cho sự nghiệp chung cả. Lý lẽ của họ là “chả làm gì được đâu”, và họ quay sang giữ lấy sự an toàn và hạnh phúc cho riêng mình, không chấp nhận bất cứ thứ hệ lụy nào do “hành động cao cả” mang lại. Hạng thứ hai này có lẽ là đông đảo nhất trong giới trí thức hiện nay. Điều đáng chú ý là họ còn lương tâm, thậm chí nhiều người rất tốt, nhưng họ chỉ dùng một nửa lương tâm thôi, tức là chỉ dành cho những việc thuộc phạm vi gia đình, anh em, bè bạn,… Tuy nhiên, ngay cả những đối tượng đó, sự tương trợ cũng chỉ khi nào nó không gây hệ lụy cho họ. Trong trường hợp một đồng nghiệp cùng đơn vị, cơ quan bị đánh, dù đúng mười mươi, nhưng nếu sếp quyết tâm đánh thì họ cũng không dám bảo vệ. Vì vậy, yêu nước thương dân đối với họ là khái niệm quá xa xỉ, không thể với tới, không dám với tới. Với cách định nghĩa tuyệt đối “trí thức là những người làm những việc không liên quan gì đến mình” thì thực chất họ cũng không còn là trí thức nữa, mà chỉ là công chức, viên chức thôi. Nhưng ngay cả với tư cách công chức, viên chức, thì họ cũng chỉ đáng ghi nhận ở bản chất lương thiện. Nhưng nếu người lương thiện xét một cách đầy đủ, không phải là người ngồi nhìn cái ác hoành hành thì họ cũng không hẳn là lương thiện nữa. Cho nên dễ thấy một điều trên cả xã hội hiện nay: người tốt thì còn nhiều nhưng việc tốt thì quá ít.

3. Hạng không quan tâm các vấn đề xã hội, chỉ mải làm ăn, rất giỏi thu vén lợi ích cá nhân. Nếu có ai nói đến những vấn đề “bức xúc”, “nhạy cảm” thì họ tránh ngay, bảo “quan tâm đến nó làm gì, nhức đầu lắm”. Thực ra bảo họ không quan tâm đến chính trị hay bảo họ “vô cảm” thì chỉ đúng một nửa. Họ có thể không biết ông chủ tịch nước bây giờ là ai, hay có biết thì chỉ biết cái tên là cùng, chứ chẳng biết con người, học vấn, đạo đức, xu hướng tư tưởng,… của vị nguyên thủ quốc gia của mình thế nào, nhưng họ lại biết rất rõ về các sếp của mình, từ sếp trực tiếp cho đến sếp của sếp, từ sếp ông đến sếp bà: sếp ông thích cà vạt màu gì, sếp bà thích nước hoa gì, sinh nhật của con gái sếp là ngày nào, v.v.. Hạng thứ ba này theo tôi chiếm một tỷ lệ khá lớn, chỉ sau hạng thứ hai. Điều đáng buồn cho họ chưa phải là thái độ bàng quan, vô cảm hay thực dụng mà cái đáng buồn là ở chỗ: họ đã đổ vỡ hoàn toàn niềm tin. Nhiều người có địa vị, có học hàm học vị sáng choang, có cả nhiều tiền của nữa nhưng chả còn chút niềm tin gì. Họ sống trong sự trống rỗng, buồn tẻ nhưng đôi khi để khỏa lấp cái trống rỗng, buồn tẻ đó, họ vênh váo với thiên hạ bằng những thứ họ có (địa vị, học hàm học vị, tiền của chẳng hạn)

4. Hạng thứ tư, hạng trí thức thoái hóa hoàn toàn, dùng chất xám để buôn chính trị, hạng người mà một nhà thơ đã gọi là “điếm cấp cao”:

Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng

Điếm cấp cao bán miệng nuôi…thân (hay trôn)

Họ thường là những người thông minh, họ có một cái đầu nhạy cảm với mọi vấn đề của cuộc sống, cho nên đón ý quyền lực cũng rất tinh. Chỉ có điều họ dùng cái bẩm chất thông minh, nhạy cảm ấy hoàn toàn cho lợi ích cá nhân. Nếu hạng thứ ba phải mua địa vị, học hàm, danh hiệu bằng tiền thì hạng thứ tư này hoàn toàn bằng cái lưỡi rắn. Ví dụ, để tiến thân, cái lưỡi rắn dám phun nọc độc vào những người chân chính đang “có vấn đề”.

Hạng này cho đến nay chỉ là thiểu số nhưng có xu hướng đang phát triển.

Vẫn biết cuộc sống muôn màu muôn vẻ, trí thức thì cũng là người, có tốt có xấu, nhưng tôi vẫn cảm thấy buồn, nếu so sánh tầng lớp trí thức hiện nay với tầng lớp trí thức trước Cách mạng tháng Tám (chứ chưa dám so với trí thức các nước khác). Tầng lớp trí thức hiện nay về số lượng đông gấp hàng trăm lần so với tầng lớp trí thức trước Cách mạng. Học hàm, học vị thì rực rỡ mà trí thức thời trước không thể nào dám đọ. Nhưng so sánh về tính độc lập tư tưởng, về khả năng tác động vào đời sống xã hội, về tính tự chủ tự lập trong đời sống mưu sinh thì trí thức ngày nay thật khó sánh với cha ông cách đây chưa lâu. Chỉ cần để ý sự kiện đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu (1925), để tang Phan Châu Trinh (1926), phong trào đón tiếp Bùi Quang Chiêu và đòi thả Nguyễn An Ninh (1926) cũng đủ thấy vai trò to lớn của trí thức trong các phong trào xã hội thời ấy như thế nào.

Đ.T.T.

Đêm Giao thừa Tân Mão sắp sang Nhâm Thìn

Nguồn: http://xuandienhannom.blogspot.com/2012/01/normal-0-false-false-false_22.html

Bài 3:

Trí thức, trí ngủ, và trí trá

Lê Phú Khải

Người tri thức, nếu hiểu một cách thật nghiêm túc về khái niệm này, là những người suy nghĩ và hành động hướng tới lẽ phải, tới chân lý, tiến bộ xã hội. Triết gia Pháp J.P. Sartre viết : Nếu ai đó chế ra quả bom nguyên tử, thì người đó là bác học, chỉ khi nào ông bác học ý thức được cái vũ khí giết người ghê gớm ấy, đứng lên hô hào chống bom nguyên tử, lúc đó ông ta là trí thức. Giáo sư Cao Huy Thuần, giảng dạy đại học Picardie Pháp có một định nghĩa thật độc đáo, bất ngờ về thế nào là một người tri thức : Ai đánh thức không cho xã hội ngủ, người đó là tri thức, bất kể họ là ai!

Trong lịch sử dân tộc tay các bậc tiền hiền như Nguyễn Bình Khiêm, Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Nguyễn An Ninh…. Chính là các bậc trí thức tiêu biểu của đất nước.

Trong giờ phút trang nghiêm của lịch sử hôm nay, khi mà cõi bờ biên cương, biển đảo ngoài khơi đã bị lấn chiếm, đang bị nhòm ngó từng ngày, khi mà kinh tế đất nước đang suy sụp, tham nhũng lan tràn, người dân khắp nơi bị cường hào cướp đất, cướp nhà, các tiếng nói dân chủ đó đây còn bị thù ghét thì có những người cương trực là hình ảnh tiêu biểu và là niềm tự hào của trí thức Việt Nam. Đất nước có qua được những năm tháng hiểm nghèo này là trông cậy vào sự dấn thân của những người trí thức và sự can đảm của toàn dân. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng là một ví dụ sinh động theo cách hiểu của giáo sư Cao Huy Thuần về người trí thức.

Về các vị trí ngủ, hiểu theo nghĩa phổ thông là những vị có bằng cấp, có học vị cao ở nước ta thì đông lắm và buồn lắm. Một giáo sư đại học, thậm chí còn là chủ nhiệm khoa, khi đi nước ngoài dự hội thảo khoa học thì tranh đi bằng được. Nhưng đến hội nghị thì chỉ ngồi yên. Ai hỏi có ý kiến gì về bản báo cáo vừa được nghe, thì chỉ lắc đầu…vì không biết tiếng Anh (!) Sao lại có chuyện đau lòng đến thế (!). Đó là di hại của nền giáo dục XHCVN lấy công nông làm nền tảng. Chọn người đi học, không chọn người có khả năng học mà chọn theo lý lịch. Cứ được tổ chức cử đi học “đào tạo” thì thế nào cũng đỗ đến tiến sỹ! Hồi tôi còn là sinh viên Đại học sư phạm Văn Khoa Hà Nội đầu những năm 60 (Thế kỷ 20), khi chúng tôi được giới thiệu thầy Hoàng Ngọc Hiến mới ở Liên Xô về với học vị Phó tiến sỹ. Thầy Hiến hỏi cả lớp các anh chị có biết phó tiến sỹ là gì không? Cả lớp ngơ ngác, thầy Hiến liền nói : Đem một con bò Việt Nam qua Liên Xô 9 năm, dắt nó về là thánh phó tiến sỹ ! Cả lớp đã cười ầm. Đó là thời thầy Hiến, sự học còn rất nghiêm túc. Còn ngày nay, có tiền có thể thuê người đi học thay mình mà vẫn đỗ cử nhân, cao học là chuyện “thường ngày ở huyện”. Chỉ một chế độ chưa loại trừ sự giả dối mới sinh ra một lớp “Trí ngủ” đông đảo đến như thế. Cái sự học của nhân loại là nghiêm túc lắm. Không phải ai cũng có thể học được, có thể đỗ bằng này bằng kia được, nếu không phải là người có năng lực học hành, có khả năng lao động trí óc. Vừa qua, giáo sư Trần Văn Giầu có công bố cuốn hồi ký. Đọc cuốn sách này trên mạng tôi mới hay, nhà ông Giầu là đại điền chủ ở Nam Bộ, nhà đông anh em, nhưng chỉ có ông là đi học mà thôi. Các người anh em khác của ông không học được vì không “ sáng dạ” bằng ông. Gia đình phải chia ruộng cho họ để lại thành điền chủ không thể thành trí thức được. Đọc hồi ký của ông Trần Văn Giầu, tôi lại nhớ đến trường hợp của ông già tôi. Ông già tôi thi diplôme tới 4 lần không đỗ. Cũng thời ấy, có người rất chịu học, có vợ rồi mà vẫn đi thi lấy cái bằng Tiểu học, nhưng năm lần bảy lượt vẫn không đỗ !. Vì nền giáo dục “Tư sản” là như vậy nên các người có bằng tú tài  thời xưa đã có kiến thức đáng nể. Nếu đỗ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ thì họ là trí thức chứ không phải mang danh “ Trí ngủ” như ở nước ta dưới nền giáo dục XHCN .

Bây giờ nói đến các vị “ Trí trá” Hồi còn mồ ma bác sỹ Nguyễn Khắc Viện  , ông nhiều lần nói với tôi về tình hình tri thức Pháp và Phương Tây. Ông cho hay, chính phủ Pháp chỉ tuyển lựa vào bộ  máy của mình những người đạt đỗ cao, có danh tiếng. Vì thế khi bước chân vào một cơ quan công quyền thì người Pháp biết rằng, quan chức nhà nước là người họ gặp xưa kia đi học cùng với họ, đều là những người giỏi. Vì thế quan chức Nhà nước là những người vừa có quyền, vừa có uy, thế mới gọi là uy quyền, nhưng dù uy quyền đến mấy, khi đã ngồi vào ghế quan chức thì anh chỉ là một công chức, một viên nha lại mà thôi. Đã là nha lại thì phải từ lời nói đến việc làm, dù làm viện trưởng, vụ trưởng, thứ trưởng,… nhất nhất phải nghe lời cấp trên. Không thể có sáng tạo gì được, không thể được xã hội xem là trí thức. Đổi lại anh ta được lương cao bổng hậu, vợ đẹp con khôn, phú quý của đời. Một bộ phận khác, dù đỗ đạt cao, nhưng không chịu chui vào bộ máy quan chức, mà làm nghề tự do như bác sỹ, kiến trúc sư, luật sư, nhà báo, nhà văn…. Tầng lớp này dám tư duy độc lập, dám ăn dám nói, dám phụng sự lẽ phải….Họ chính là trí thức của nhân dân Pháp. Họ có thể bị bầm dập nhưng được xã hội kính trọng.

Bạn sẽ hỏi tôi : Thế thì anh “ Trí trá”  nằm ở đâu trong xã hội Tây cũng như Ta? Xin thưa, đó là các vị công chức, nha lại… nhưng lại muốn tỏ ra thức thời, lên tiếng về các vấn đề chính trị xã hội. Nhưng đã là nha lại, bị “Áo xiêm dàng buộc lấy nhau” mà lại lên tiếng nên phải uốn éo, phải trí trá…làm cho người khác bị lừa nhờ danh tiếng của mình (!). Nhưng không lừa được những người trí thức đích thực, có lương tâm với dân tộc.

Để kết thúc cho bài viết này, tôi cũng nhân đây nói về Toán học. Năm 1976, sau ngày nước nhà thống nhất, trong không khí hồ hởi, Việt Nam đã tổ chức một hội nghị Toán học lớn, có rất nhiều nhà toán học giỏi gốc Việt các nước về dự. Lúc đó tôi là phóng viên dài TNVN công tác trong bộ phận tuyên truyền trong giới trí thức nên phải ra tận sân bay để đón các tri thức Việt kiều về dự hội nghị. Tôi  nhớ đã đón tiến sỹ toán học Lê Dũng Tráng, người Thanh Hóa, 29 tuổi, giáo sư Fédéric Phạm cha là nhà toán học Việt Nam, mẹ là người Pháp, giáo sư Phạm sinh ra ở Pháp nên nói tiếng Việt rất khó khăn, chỉ nói được từng từ một, không thành câu! Đa số các vị là các nhà toán học lý thuyết. Một nữ giáo sư toán học ở trường Đại học sư phạm Hà Nội dự hội nghị đó, bà là một người rất nổi tiếng, rất tâm huyết với nền khoa học của nước nhà rất được mọi người kính trọng vì tính tình thẳng thắn, cương trực, bà đã nói với tôi : Toán lý thuyết rất quan trọng, rất vĩ đại nhưng với nước ta thì chẳng có tác dụng thiết thực là bao, thế mà tôi ngày nào cũng phải xếp hàng mua bắp cải để ăn! Rổi bà hỏi tôi : Anh có biết trường phái “Toán học kỳ dị” là thế nào không, anh có biết thế nào là “ “Bài toán bốn mầu không” ? Rồi bà giải thích “ Bài toán bốn mầu là, tôi cho anh bốn mầu khác nhau anh phải tô được bản đồ thế giới mà các nước ở xung quanh một nước lại không trùng màu nhau. Nhưng trên thực tế có nước giáp gianh tới 5 – 6 nước thì làm sao mà tô được bản đồ thế giới, khi trong tay chỉ có 4 màu! Ấy vậy mà trên lý thuyết bài toán đó lại giải được. Thế nên giới toán học lý thuyết gọi bài toán đó là “Bài toán bốn mầu”! Toán lý thuyết là thế đấy anh ạ! Nó chỉ làm người nghiên cứu nó vinh thân phì gia, với một nước nghèo và lạc hậu như nước ta thì….

Được vị nữ giáo sư đáng kính này giảng giải tôi mới vỡ lẽ, tại làm sao trong hội nghị đó, đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó là Phó Thủ Tướng phụ trách công tác khoa học đã kêu gọi các nhà toán học Việt Nam mà tuyệt đại là toán học lý thuyết chuyển sang nghiên cứu toán học ứng dụng cho đất nước được nhờ. Nhưng ít ai theo lời khuyên của Tướng Giáp  (!) Giáo sư tiến sỹ Trần Kiêu, chủ nhiệm khoa Sinh học trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, một chuyên gia hàng đầu thế giới về sinh học rắn hổ mang, còn kể cho tôi một chuyện lý thú. Năm thiếu tá phi công vũ trụ Ti Tốp sang thăm Việt Nam. Ta có tổ chức 1 buổi gặp mặt giữa phi hành gia vũ trụ với các nhà khoa học VN, khi thiếu tá Ti Tốp khuyên các nhà khoa học VN nghiên cứu vũ trụ và đi vào lĩnh vực vụ trụ, bỗng Bác Hồ đứng ngay dậy, ngắt lời thiếu tá Ti Tốp, Bác khuyên các nhà khoa học VN nên nghiên cứu các khoa học là là mặt đất thôi! Giáo sư Trần Kiên kết luận “ Tôi đã suy nghĩ nhiều về lới khuyên của Bác và chuyển đề tài “ Thần kinh cá chép” của tôi rất được các nhà khoa học thế giới quan tâm sang nghiên cứu đề tài “ là là mặt đất” là “ khẩu phần ăn của cá Rô – Phi”.

Toán học rất vĩ đại, Viện nghiên cứu toán học cao cấp mà Giáo sư Ngô Bảo Châu đang là Viện trưởng rất sang trọng. Nhưng các bệnh viện nhi đồng ở nước ta các cháu thiếu nhi đang phải nằm chung 2 – 3 cháu một giường, các bà mẹ phải nằm dưới đất. Khi một em bé bị đau ruột thừa, mẹ em vừa khóc vừa bế em đến bệnh viện, vạn lạy các bác sỹ cứu nhân độ thế, nhưng bệnh viện còn chờ bố em đi bán bò có tiền nộp viện phí thì mới mổ ruột thừa cứu em… thì mọi sự sang trọng phải xem lại! Mọi vật trang trí phải xem lại.

LPK

4/2011

http://www.trannhuong.com/news_detail/8872/TRÍ-THỨC-TRÍ-NGỦ-VÀ-TRÍ-TRÁ

Nguồn: GS. Nguyễn Văn Tuấnhttp://nguyenvantuan.net/news/6-news/1417-lai-ban-ve-tri-thuc

=========================

3. Cái bánh vẽ

Năm 2009, Salman Khan bỏ không làm nhà phân tích tài chính ở một quỹ đầu tư mạo hiểm ở Wall Street. Anh về nhà xuống hầm giảng bài, thu băng, và upload lên Youtube. Các bài giảng của anh đều về các đề tài sơ cấp: lượng giác, lịch sử, đại số, … Vài nghìn clips (và chục nghìn giờ lao động) sau đó, và Khan Academy hiện nay đã có tài trợ từ nhiều tổ chức: Google, quỹ Gates, vân vân. Các video clips của tổ chức phi lợi nhuận này đang len lỏi hàng đêm vào tầng hầm của nhiều triệu trẻ em các nước — phát triển hay thế giới thứ ba.

Sebastian Thrun là một giáo sư Khoa Học Máy Tính cực kỳ nổi tiếng của đại học Stanford, chuyên về Robotics. Năm 2005, cái xe không người lái của nhóm nghiên cứu của anh thắng giải “Thách thức lớn của DARPA“.  Năm 2010, anh dẫn đầu nhóm của Google cho xe không người lái chạy trong thành phố. Năm ngoái Sebastian đồng giảng dạy lớp Trí Tuệ Nhân Tạo mở của Stanford (với Peter Norvig, giám đốc nghiên cứu của Google), hoàn toàn miễn phí trên mạng cho … 160 nghìn học viên trên toàn thế giới. Ai muốn đăng ký cũng được. Trải nghiệm này đã thay đổi Sebastian. Số học viên từ Lithuania nhiều hơn số sinh viên Stanford lấy lớp này. Có những học viên từ Afganistan, phải đi qua vùng đạn lửa để có vài giờ kết nối Internet để làm và nộp bài tập. Khi hoàn tất, có 248 học viên được điểm tuyệt đối. Không có bất kỳ ai trong 248 học viên này là … sinh viên Stanford, trường đại học số 1 thế giới! Sebastian vừa bỏ tenure ở Stanford, thành lập Udacity, một trường đại học miễn phí trên mạng. Mục tiêu của anh là lớp đầu tiên sẽ có nửa triệu học viên. Tôi không biết nên mô tả cho bạn đọc việc lấy tenure ngành Khoa Học Máy Tính ở Stanford khó như thế nào. Khoa máy tính ở đó là một phần khối óc của thung lũng Silicon.

Bill Gates là một cái tên không cần giới thiệu. Từ năm 2007 đến nay ông đã hiến ít nhất 25 tỉ đô la làm từ thiện, theo một nguồn thống kê đã cứu được gần 6 triệu mạng người, khỏi viêm gan siêu vi B, sốt xuất huyết, SIDA, v.v.

Vài trăm ngàn học viên của Salman và Sebastian, và vài triệu sinh linh mà Bill giúp cứu mạng chắc hẳn là hoàn toàn đếch quan tâm xem Salman, Sebastian, và Bill có phải là trí thức chính hiệu hay không. Ngược lại, Salman, Sebastian, Bill cũng tuyệt đối không có thì giờ tranh luận xem chữ trí thức nên viết hoa hay viết thường, là phải trung thành hay đối lập. Họ còn bận nướng cái bánh thật, cho những người đói thật.

Con đường đi đến cái bánh thật không cần đi qua tranh luận về cái bánh vẽ.

Tôi rất ngưỡng mộ và biết ơn Talawas thời kỳ đầu mà chị Phạm Thị Hoài và các cộng sự mất bao công gầy dựng. Talawas thời kỳ đầu, như Khan Academy với tôi là một thằng bé trong tầng hầm của mình. Đến giai đoạn Talawas chuyển thành blog thời kỳ 2 thì tôi có cảm giác toàn bộ năng lượng được chuyển thành năng lượng “âm”. Vẫn còn ở trong tầng hầm, nhưng cá nhân tôi thấy không còn học được gì ở đó nữa. Nêu ví dụ này để nói rằng, vấn đề không nằm ở chỗ “đối lập” hay không “đối lập”. Talawas chắc có thể gọi là “đối lập”. Còn Bill, Sebastian, và Salman đều không đối lập (như Chomsky hay Moore). Nếu đã không xắn tay áo làm bánh, thì tầm ảnh hưởng của một tiếng nói đến cái bánh thật chỉ còn phụ thuộc vào hàm lượng tri thức nằm trong tiếng nói.

Chém gió trong một cái võ đài rỗng về hàm lượng tri thức là một sự phí phạm cuộc sống đáng tiếc.

“Trí Thức” — bất kể viết hoa hay viết thường — đều là Cái Bánh Vẽ — viết hoa.

Nguồn: GS. Ngô Quang Hưng

http://www.procul.org/blog/2012/01/24/cai-banh-v%E1%BA%BD/

Ý kiến về bài viết “Cái bánh vẽ”:

1/ Phạm Việt Hưng, http://viethungpham.wordpress.com/

Định lý Bất toàn của Kurt Godel chỉ ra rằng không có một hệ logic khép kín nào là đầy đủ, là hoàn hảo. Thực tiễn ở đời cũng cho thấy chẳng có cái gì là hoàn hảo. Nhưng than ôi, khát vọng của nhân loại luôn luôn hướng tới sự hoàn hảo. Đó là một nghịch lý lớn giữa hiện thực và khát vọng của con người.

Có hai cách chấp nhận nghịch lý đó:

Một,gone with the wind”, buông xuôi, chấp nhận mọi sự xuống cấp, “sống chung với lũ”, với cái xấu, với cái phản nhân văn.

Hai, sống theo lời dạy bảo của cha ông: cố gắng hoàn thiện mình, tham gia vào công việc xã hội, dù nhiều hoặc ít, sao cho môi trường sống của mình càng ngày càng tốt đẹp hơn, đỡ hôi tành mùi bùn hơn, giống y như dọn rác và làm vệ sinh môi trường vậy.

Lựa chọn một dễ hơn. Phải chăng đó là cái hiện thực đáng buồn làm cho xã hội phải đặt dấu hỏi “trí thức là gì?” (vì trí thức vốn được xã hội kỳ vọng)? Nếu đúng như vậy thì câu hỏi “trí thức là gì?” không phải là một cái bánh vẽ, mà là một thứ thuốc đắng. “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”, âu cũng là lẽ thường.

Lựa chọn hai khó hơn. Có hàng đống sự thật cảm động cho thấy những con người đích thực thường có lựa chọn hai. Con gái tôi vừa nhắc tôi nên xem lại cuốn phim bất hủ “Schindler List” để nghe lại một câu nói của Oskar Schindler, đại ý là “Save a person, save the world”, nghe từa tựa như câu của Nhà Phật: “Cứu được một người phúc đẳng hà sa”, hoặc câu của Mother Theresa: “Nếu bạn không giúp được nhiều người, hãy giúp một người”. Tôi coi Bill Gates là một bậc thánh vì đã làm từ thiện tới  28tỷ USD và sẽ còn làm tiếp. Có thể ông không bận tâm tới câu hỏi “trí thức là gì?”, nhưng tôi đoan chắc ông bận tâm với nhiều câu hỏi dằn vặt khác của nhân thế, thậm chí còn mang tính triết lý sâu sắc hơn câu hỏi “trí thức là gì?” rất nhiều. Chỉ những người biết đau nỗi đau của nhân thế thì mới biết làm những việc cứu nhân độ thế, chứ không phải những trí thức trùm chăn có thể làm được việc ấy. Kể cả những tấm gương trong câu chuyện mà anh […] cung cấp, chắc chắn họ cũng có những suy nghĩ sâu sắc về lương tri để rồi làm những việc đó, thay vì cứ trùm chăn mà làm anh hùng!

Trùm chăn cũng không thể đặt ra câu hỏi “trí thức là gì?”. Câu hỏi đó chẳng qua là một kiểu đánh thức: ẩn đằng sau câu hỏi “trí thức là gì?” thực ra là một nỗi đau nhân thế, một nỗi dằn vặt về thời đại. Câu hỏi ấy không có ý nghĩa academic để chúng ta phung phí thì giờ tìm kiếm một định nghĩa trong từ điển, để rồi rơi vào tình trạng “suspended in language” (Niels Bohr).

Câu hỏi ấy, như tôi hiểu, chỉ là một gợi ý để chúng ta cùng suy ngẫm xem tại sao xã hội bây giờ lại như thế, con người bây giờ lại như thế, và mỗi chúng ta (trí thức?!) đã làm hết bổn phận của mình chưa? Câu hỏi đó không phải là “I ask you”, mà là “I ask myself”, “we ask ourselves”. Vậy chẳng nên biến câu hỏi đó thành chuyện debate hơn thua, mà nên coi nó như một discussion để làm sáng tỏ một vấn đề thuộc về nhân tình thế thái – một vấn đề có thể không liên quan trực tiếp đến bản thân ai đó, nhưng chắc chắn sẽ có hệ lụy không nhỏ đến con, cháu chúng ta.

Xuất phát từ thái độ trân trọng những lo âu dằn vặt của người khác, đặc biệt của những tấm gương khả kính, tôi xin bầy tỏ thái độ trân trọng đối với những vị đã gợi ý câu hỏi “trí thức là gì?”.

***

2/ Nguyễn Đức Hiệp, Hiep.Duc@environment.nsw.gov.au

“Tôi nghĩ bài “Cái bánh vẽ” này cũng cường điệu và không bổ ích chi lắm.

 Bàn về tri thức hay trí thức cũng có cái lợi là vạch rõ ra nhiều điều nhiều người thường nhầm lẫn. Tranh luận và nói chuyện về trí thức không có nghĩa là suốt ngày tháng chỉ bàn về vấn đề này thôi. Mọi người còn có chuyện khác và công việc của mình vẫn làm. Nhưng nếu có bạn có thì giờ đôi chút bàn cãi thì tốt và vì thế có lúc tôi có thì giờ xem thì tôi cũng học hỏi đôi chút. Có bạn không có thì giờ thì không tham gia vào.

Nhưng gạt bỏ để khuyên người khác là nên chuyên tâm vào những việc khác (như những việc đại sự của các nhà có tầm vóc đã làm) và cho là các người làm chuyện “bánh vẽ” thì tôi cho là trẻ con (nhẹ) hay khinh người, fascist học thuật (nặng).”

3/ GS. Phạm Quang Tuấn, http://www.ceic.unsw.edu.au/staff/Tuan_Pham/

“Tôi cũng thấy nó (bài “Cái bánh vẽ” – NV) chẳng bổ ích gì cả mà còn có hại vì nó tiêu biểu về cách “đánh trống lảng” của người Việt. Kiểu đánh trống lảng này khiến ít khi bàn chuyện gì tới nơi tới chốn.

Đang bàn chuyện trí thức có cần phản biện hay không, trí thức có phải là chỉ cần làm việc chuyên môn hay không, bỗng chạy sang chuyện Bill Gates cống hiến mấy chục tỷ cho từ thiện… rồi chêm thêm tí mỉa mai về “cái bánh vẽ” (tương tự với giọng điệu mỉa mai của X về “thi đua được phong hàm trí thức”). Chán thật!

Biết bao giờ người Việt (ít ra là người Việt có học thức) mới biết tranh luận cho ra hồn.”

Vậy thì xin không bàn về trí thức nữa mà bàn về opposite của nó: người ngu xuẩn 🙂

Người ngu xuẩn tiếng Anh, Pháp gọi là idiot. Chữ này gốc Hy lạp cổ, xuất hiện từ thời chế độ dân chủ đầu tiên trên thế giới xuất hiện tại Athens cách đây 25 thế kỷ. Chữ democracy (dêmokratia) chính là do người Hy lạp cổ sáng chế ra. Trong một chế độ dân chủ, công dân có bổn phận tích cực tham gia vào việc công, từ bầu cử tới đóng góp ý kiến, tranh luận chính trị xã hội. Những người có tư cách để làm (tức là công dân) mà không làm những việc đó, thì được gọi – một cách khinh khi – là “idiot”, tức là người vị kỷ, chỉ lo việc mình mà không biết lo lắng việc công. Mọi công dân sinh ra đều là “idiot”, phải được giáo dục để trở thành công dân xứng đáng, tức là có tham gia việc công. Triết gia Aristotle đã từng nói: “kẻ nào không tham gia vào việc công thì phải là súc vật hay thần thánh!”. Lâu dần, chữ idiot được dùng để chỉ những kẻ ngu xuẩn nói chung”

===============

4. GS X ‘tự mâu thuẫn’?


Giáo sư Nguyễn Huệ Chi

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã tham gia phản biện nhiều vấn đề xã hội trong nước.

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, đồng chủ trì một trang mạng phản biện của giới trí thức Việt Nam, trang Bấm Bauxite Việt Nam, nói với BBC rằng Giáo sư X đã “tự mâu thuẫn” khi bàn về vai trò phản biện của trí thức trong một phỏng vấn đăng ở Việt Nam gần đây.

Trước đó, phát biểu trên Bấm Tuổi trẻ Online hôm 20/01, nhà toán học được trao trải thưởng Fields của Việt Nam nói ông “không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm ‘trí thức’ và cho hay, theo quan niệm của ông “giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.”

Bình luận về quan điểm này của Giáo sư X, Giáo sư Huệ Chi cho BBC hay hôm 23/01:

“Nếu anh cặm cụi với chuyên môn của anh, để anh làm ra một loạt sản phẩm cho xã hội, thì anh mới chỉ là một người chuyên nghiệp trong một chuyên ngành nào đấy thôi, chứ không phải là trí thức, hiểu theo nghĩa là người hiểu biết và dẫn dắt xã hội.”

Theo Giáo sư Huệ Chi, đã nói tới trí thức là phải nói tới những ai có “tầm nhìn” vào xã hội và “lương tri” của trí thức phải có một “ánh sáng” để hướng dẫn xã hội.

“Muốn thế, trước những vấn đề lớn của đất nước và của cộng đồng, anh phải có ý kiến. Mà ý kiến này là một ý kiến độc lập, tự anh, chứ không phải lệ thuộc bởi một thế lực nào hết, thì đó mới là trí thức. Còn nếu không, anh chỉ là người làm chuyên nghiệp thôi.”

Chuyên gia về văn học, văn hóa Việt Nam cổ, cận đại cho rằng cách nghĩ của các trí thức “trùm chăn” hay tự giới hạn mình ở trong “tháp ngà” trong quá khứ nay không còn phù hợp nữa. Ông nói:

“Đã là trí thức thì phải là người có tầm, có trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội. Cho nên tôi nghĩ phản biện xã hội là chức năng của trí thức, chứ không phải là chức năng của ai hết”

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi

“Ngày xưa người ta gọi là trí thức trùm chăn. Tức là chỉ nằm trong tháp ngà, rồi nói những điều cao đạo, hoặc là chỉ làm những việc chuyên môn của mình để kiếm đồng tiền, kiếm lương. Tôi nghĩ cách nghĩ như thế không toàn diện về trí thức.”

Người từng nắm cương vị Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện Văn học Việt Nam khẳng định: “Đã là trí thức thì phải là người có tầm, có trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội. Cho nên tôi nghĩ phản biện xã hội là chức năng của trí thức, chứ không phải là chức năng của ai hết.”

Không ‘sống lơ lửng’

Giáo sư X (phải) nhấn mạnh trước hết tới yếu tố “chuyên môn” trong công việc của người “trí thức.”

Tuy nhiên, trong bài trả lời phỏng vấn với truyền thông trong nước hôm thứ Sáu, Giáo sư X cũng thừa nhận tầm quan trọng của phản biện xã hội, cũng như sự trân quý đối với trí thức và những ai phản biện xã hội. Ông nói với tờ Tiền Phong:

“Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng.”

Song chính tại điểm này, một lần nữa, Giáo sư văn học Nguyễn Huệ Chi tiếp tục “phản biện” nhà toán học năm nay ở tuổi 40, và cho rằng Giáo sư Ngô Bảo Châu “mâu thuẫn”.

Ông nói với BBC: “Giáo sư X cũng đã nói đến cái phần sau là nếu không có phản biện thì xã hội chết lâm sàng. Nhưng trách nhiệm của cái xã hội chết lâm sàng ấy không đặt vào vai của trí thức thì đặt vào vai ai?”

“Cho nên tôi nghĩ chính Giáo sư Ngô Bảo Châu mâu thuẫn, bị rơi vào mâu thuẫn, chứ thực ra thì anh ấy nói cũng không sai.”

“Giáo sư X cũng đã nói đến cái phần sau là nếu không có phản biện thì xã hội chết lâm sàng. Nhưng trách nhiệm của cái xã hội chết lâm sàng ấy không đặt vào vai của trí thức thì đặt vào vai ai”

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi

Người chủ trì trang mạng Bauxite Việt Nam tỏ ra tán thành với Giáo sư X rằng trí thức phải làm rất tốt phần chuyên môn “chuyên sâu rất chuyên biệt của anh mà người khác không thể làm được.”

Thế nhưng ông nhấn mạnh thêm một đặc điểm nhận thức luận mà ông gọi là “nghĩa vụ xã hội” và “nghĩa vụ cộng đồng” được xem là quan trọng để xác định căn cước, tư cách và vai trò trí thức trong xã hội.

“Nhưng đồng thời anh vừa là lương tri, vừa là ánh sáng của lương tri, mà vừa là nghĩa vụ mà do quá trình hình thành trí thức của anh, anh ý thức được – tức là nghĩa vụ đối với xã hội, nghĩa vụ đối với cộng đồng, thì anh phải làm việc hướng dẫn cộng đồng.

“Mà hướng dẫn cộng đồng, tất nhiên là anh phản biện. Mà phản biện thì anh phải phản biện trên tinh thần độc lập, không bị lệ thuộc vào bất cứ thế lực nào khác, thì đó mới là trí thức.”

Chuyên gia văn học Việt Nam còn lưu ý rằng “trí thức sống ở trong một cộng đồng, chứ không phải là anh ta tách rời và sống lơ lửng ở trên không trung.”

Giáo sư Huệ Chi, ngoài ra cũng đưa ra một số nhận xét đáng chú ý liên quan tới các động thái, hoạt động có liên quan tới Việt Nam trong thời gian vừa qua của ông X, cũng như bình luận về quan điểm của một số Bấm trí thức, Bấm nhân sỹ được BBC đăng tải gần đây trên bbcvietnamese.com xung quanh Bấm chủ đề trí thức và Đảng lãnh đạo.

Nguồn:

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/01/120123_vn_intelligentsia_huechi.shtml

=============================

5. Trí thức, tự do, và công lí

Trí thức, tự do, và công lí In Email
Thứ sáu, 27 Tháng 1 2012 01:00
https://i0.wp.com/www.cand.com.vn/Uploaded_CAND/trungnn/21lar-tanman42.jpgHôm nay, tôi muốn giới thiệu cùng các bạn bài viết về tri thức của Ts Nguyễn Đình Đăng (Nhật). Trong bài này, anh Đăng thuật lại vài giai thoại thú vị về bàn luận trí thức, mà lần đầu tiên tọi được biết. Anh còn trình bày 10 dấu hiệu (mà tôi hiểu là “việc làm”) của người trí thức theo Vitaly Tepikin. Chiếu theo 10 việc làm này thì chắc VN có rất ít trí thức. Tôi đăng lại dưới đây và hi vọng các bạn sẽ có một món ăn tinh thần bổ ích. Tựa đề là tôi đặt (còn nhớ đường Tự Do và Công lí ở Sài Gòn?), nhưng tựa đề gốc của anh Đăng là “Trí thức”.

Trong bài này, anh Đăng có nhắc đến cuộc di tản sau 1975 chưa từng có trong lịch sử VN. Nhân kỉ niệm 30 năm tôi định cư ở Úc, đọc những dòng chữ của anh làm tôi cảm động. Tôi cũng là một trong những người trong làn sóng lịch sử đó.  Hàng trăm ngàn người đã chìm xuống lòng Biển Đông.  Biết bao nhiêu thảm trạng ập đến những người Việt trong hành trình vượt biên. Lên đến bờ cũng chết và bỏ lại thân xác ở đất khách quê người. Tôi không bao giờ quên những đồng hương (trong đó có anh Hai tôi) đã nằm xuống ở Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương. Đúng là một cuộc di tản qui mô lớn chưa bao giờ có trong lịch sử VN. Nhưng không có ai của Nhà nước chính thức ghi nhận sự kiện này. Tôi chưa bao giờ nghe / đọc một người từ miền Bắc nhắc đến sự kiện này.  Anh Đăng là người đầu tiên nói đến cuộc di tản này với cái nhìn khách quan và nhân bản.  Chính vì thế mà tôi cuốn hút theo bài viết, dù những gì anh ấy nhắc chỉ là một đoạn văn.

Đoạn cuối bài viết có một câu tôi thấy tâm đắc: “Rõ ràng bạn không thể vừa được người ta cấp xe sang (hay tặng nhà to) lại vừa có Tự Do (hay Công Lý). Bạn chỉ có thể chọn một trong hai thứ đó. Lập luận rằng cưỡi xe BMW mới tiến được hoặc tiến nhanh hơn tới Công Lý (hay Tự Do) là ngụy biện, tự dối mình và lừa dối người khác. Đặc biệt, nếu bạn là một người lao động trí óc theo một chuyên môn nào đó, việc bạn chọn cái gì sẽ tự động xếp bạn vào hàng ngũ những ‘trí thức dự khuyết’, hay vào đám học giả xu thời đang ngày càng lạm phát trên đất nước này. “

Nói theo tiếng Anh là anh Đăng đã “just right to the point”!

Xin nói thêm rằng anh Đăng là một người đa tài. Thật sự đa tài. Anh là nhà vật lí có nhiều công trình nghiên cứu đẳng cấp giáo sư. Nhưng hơn thế nữa, anh còn là một hoạ sĩ tài hoa, từng có tranh triển lãm ở Việt Nam và Nhật. Anh là một nhà trí thức đúng theo nghĩa của một intellectual.

NVT

======

http://nguyendinhdang.wordpress.com/2012/01/26/intelligentsia/

Trí thc

Nguyễn Đình Đăng

Hồi còn là sinh viên năm thứ nhất (1976 – 1977) tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Maxcơva [1], một lần ngay trong giảng đường vào giờ nghỉ, chúng tôi được yêu cầu khai lý lịch để nộp cho giáo vụ trường. Đến mục thành phần giai cấp của gia đình, tôi viết “trí thức” (интеллигенция), lại còn “trầm trọng” ghi chú “cha: thầy giáo, mẹ: bác sĩ” (отец – учителъ, мать – врач). Petya, cậu bạn Nga của tôi, thấy vậy bảo: “Ê, tiểu tư sản! Xoá đi mày! Ghi như tất cả chúng tao đây này: рабочий (lao động, công nhân).” Thấy tôi có vẻ băn khoăn, cậu ta giải thích: “Chúng tao gọi thầy giáo và bác sĩ là những người lao động trí óc (работники умственного труда).”

*

Phải nói thẳng một cách sòng phẳng như thế này. Trong lịch sử nhân loại chưa có một chế độ độc tài nào lại tôn trọng trí thức. Độc tài và trí thức không khác gì lửa và nước. Tần Thủy Hoàng từng ra lệnh đốt Kinh Thi và Kinh Thư, chôn sống hơn 460 Nho sĩ. Sa Hoàng Nikolai Đệ Nhị từng căm ghét trí thức đến nỗi muốn loại bỏ từ “trí thức” khỏi từ vựng của tiếng Nga: “Trí thức là một từ ghê tởm,” ông ta nói. Nhà độc tài kế tiếp ông, lãnh tụ cộng sản Lenin còn tiến một bước xa hơn khi đã không ngần ngại sử dụng một trong những từ thiếu sạch sẽ nhất để gán cho trí thức: Lenin gọi trí thức là cứt. Trong thư gửi Maxim Gorky ngày 15/9/1919, Lenin viết: “Các lực lượng trí tuệ của công nông đang trưởng thành vững mạnh trong cuộc đấu tranh lật đổ tư sản và bọn đồng lõa, lũ trí thức – đầy tớ của tư bản, những kẻ tưởng mình là bộ não của quốc gia. Trên thực tế, bọn chúng không phải là bộ não mà là cứt.” [2].

Khác với từ intellectuals trong tiếng Anh, thường được dùng chủ yếu để chỉ những người có nghề nghiệp chuyên môn trong các lĩnh vực lao động trí tuệ nhằm phân biệt họ với những người lao động chân tay, khái niệm trí thức (интеллигенция) trong tiếng Nga được dùng cho tầng lớp của những người không đơn thuần chỉ có học và lao động trí óc, mà còn phải có tư duy phê phán, phải gánh vác những lý tưởng cao cả. Các tính năng chính của trí thức Nga trước cách mạng tháng 10 mang đặc thù của những cứu tinh trong xã hội, bao gồm: 1) sự quan tâm tới số phận của đất nước (trách nhiệm dân sự), 2) thái độ và hành động hướng tới phê bình xã hội, tới cuộc đấu tranh với tất cả những gì cản trở sự phát triển quốc gia (vai trò của những người gánh vác lương tâm xã hội), và 3) khả năng đồng cảm với những ai “bị xúc phạm và bị xỉ nhục” (cảm giác đồng cảm về đạo đức).

Vốn có truyền thống tự chịu trách nhiệm về tương lai của đất nước như vậy, nên một số trí thức Nga đã có ảo tưởng ngây thơ rằng họ có thể hợp tác với chính thể độc tài, thuyết phục những người cầm đầu để họ cải tổ theo chiều hướng tự do dân chủ. Họ chưa bao giờ thành công. Sau cách mạng tháng 10 Nga, các văn hào như Maxim Gorky và Vladimir Korolenko đã đích thân tới gặp Lenin với hy vọng thuyết phục ông ngừng khủng bố, nhưng họ đã thất bại.

Những người cầm đầu trong bộ máy quyền lực của chính thể cộng sản đã không bao giờ tha thứ thái độ “phản động” hay “phản cách mạng” của giới trí thức và đã nhanh chóng đàn áp họ. Thi sĩ nổi tiếng Nikolai Gumilev là nạn nhân đầu tiên. Năm 1921 ông đã bị buộc tội âm mưu chống lại chế độ Xô Viết và đã bị xử bắn. Cuộc đàn áp trí thức của chính quyền Xô Viết đã đẩy hàng loạt trí thức Nga di tản ra nước ngoài sau cách mạng tháng 10. Những đại diện xuất sắc của giới trí thức Nga thời đó, kể cả các triết gia và các văn hào lớn như Nikolai Berdyaev [3] – chủ bút tờ Vekhi (Вехи: Những cột mốc), cũng bị chính quyền trục xuất ra khỏi đất nước vào cuối năm 1922. Sự đàn áp này còn tiếp tục cho tới khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, với nhiều văn nghệ sĩ và trí thức bị tống giam, trục xuất, đày ải, trong đó có những cá nhân kiệt xuất như nhà vật lý Lev Landau (Nobel vật lý năm 1962, bị bắt giam 1 năm trong đợt thanh trừng 1936 – 1938), nhà thơ Iosif Brodsky (Nobel văn chương năm 1987, bị trục xuất năm 1972), nhà văn Alexandr Solzhenitsyn (Nobel văn chương năm 1970, bị bắt giam 11 năm tù 1945 – 1956, bị trục xuất năm 1974), nhà vật lý Andrei Sakharov (Nobel hoà bình năm 1975, bị bắt và bị quản thúc 6 năm 1980 – 1986),  v.v.

Dưới chính thể cộng sản, Đảng cộng sản cai trị toàn xã hội, không cho phép bất cứ đảng phái đối lập nào khác tồn tại, chưa nói cạnh tranh quyền lực, và thẳng tay trừng trị mọi tư tưởng khác quan điểm do đảng áp đặt, chứ chưa nói tới hành động, mà những người cộng sản cho rằng có thể đe doạ địa vị thống trị của họ. Chỉ riêng chế độ Stalin – người kế thừa Lenin – đã hành quyết và đầy ải đến chết hơn 20 triệu người [4], gấp đôi số nạn nhân đã chết trong các lò thiêu người và trại tập trung của phát-xít Hitler. Chính thể cộng sản quả thật là chính thể độc tài tàn bạo nhất trong thế kỷ thứ 20.

*

Bài học đau xót của trí thức dưới chính thể cộng sản đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã được lặp lại tại Việt Nam. Vào năm 1956, khi một số văn nghệ sĩ, luật sư, triết gia, bác sĩ, nhà giáo tại Hà Nội như Hoàng Cầm, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Phan Khôi, Tử Phác, Phùng Quán, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, v.v. lên tiếng đề nghị Đảng cộng sản (lúc đó lấy tên là Đảng Lao Động Việt Nam) tôn trọng tự do sáng tạo, hành xử theo luật pháp v.v., họ đã bị đàn áp thẳng tay trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và vụ Nhân Văn Giai Phẩm là những đòn trí mạng giáng vào giới trí thức Việt Nam, và kết quả là đã “đào tận gốc trốc tận rễ” tầng lớp này trên miền Bắc. Còn sau năm 1975, Việt Nam là đất nước đã sinh ra cuộc di tản khổng lồ bằng thuyền khủng khiếp nhất trong lịch sử hiện đại [5] với hơn 1.6 triệu người bỏ quê hương di tản ra ngoại quốc, trong đó có hàng ngàn trí thức miền Nam [6].

Trên thực tế, nếu hiểu giới trí thức như khái niệm интеллигенция, thì Việt Nam từ đó không còn giới trí thức nữa. Thay vào đó, cụm từ “trí thức xã hội chủ nghĩa (XHCN)” đã ra đời tại miền Bắc XHCN, và sau đó cụm từ này đã chết yểu. Nó cũng tương tự như việc thay thế chủ nghĩa hiện thực trong văn học nghệ thuật bằng “hiện thực XHCN” tại Liên Xô trước đây mà nhiều nước trong khối cộng sản đã bắt chước. “Hiện thực XHCN” đã hoàn toàn phá sản sau khi Liên Xô sụp đổ. Câu chuyện tiếu lâm dưới đây, mà tôi từng được nghe trong thời sinh viên tại Liên Xô, đã nêu rõ thực chất của thứ “hiện thực” này.

Thành Cát Tư Hãn sau khi chinh phạt thế giới, đã trở thành bá chủ một đế quốc mênh mông trải dài từ bờ biển Đông tới lưu vực sông Danube. Tuy nhiên, trong một lần chinh chiến, ông ta đã bị mất một mắt. Có lần vị hoàng đế nhà Nguyên này ban lệnh tìm hoạ sĩ giỏi để vẽ chân dung cho mình. Hoạ sĩ thứ nhất được tiến cử tới yết kiến Thành Cát Tư Hãn, và đã vẽ hoàng đế nhà Nguyên với đầy đủ cả hai mắt tinh. Sau khi bức tranh được hoàn thành và được đem trình hoàng đế xem, Thành Cát Tư Hãn khinh bỉ nói: “Sao lại có cái thứ lãng mạn chủ nghĩa đồi bại thế này?”, rồi ra lệnh chém đầu hoạ sĩ. Hoạ sĩ thứ hai được vời tới. Rút kinh nghiệm thảm khốc từ hoạ sĩ trước, hoạ sĩ này đã vẽ Thành Cát Tư Hãn giống y như thực, tức là với một mắt tinh và một mắt chột. Thành Cát Tư Hãn liếc nhình bức tranh rồi phán: “Tự nhiên chủ nghĩa tục tằn!” Hoạ sĩ thứ hai cũng bị bay đầu. Hoạ sĩ thứ ba đã vẽ chân dung Thành Cát Tư Hãn en profil (chân dung nhìn nghiêng), chỉ thấy con mắt tinh, còn con mắt chột được che khuất trong nửa không nhìn thấy của khuôn mặt. Hoàng đế nhà Nguyên xem tranh và khen: “Đây mới thực sự là hiện thực xã hội chủ nghĩa!”, rồi truyền ban thưởng cho hoạ sĩ.

Trong tác phẩm “Trí thức và vai trò của nó trong quá trình văn hoá”, Vitaly Tepikin đã tổng hợp và đề xuất 10 dấu hiệu của giới trí thức hiện đại là [7]

1 – có lý tưởng đi trước thời đại, nhạy cảm với người xung quanh, lịch sự nhũn nhặn trong biểu hiện;

2 – tích cực lao động trí óc và liên tục tự học;

3 – ái quốc dựa trên niềm tin vào nhân dân và có tình yêu quê hương sâu sắc;

4 – sáng tạo không mệt mỏi và có lối sống giản dị đến khổ hạnh;

5 – độc lập, có khát vọng đạt tới tự do biểu hiện, và tìm thấy mình trong khát vọng đó;

6 –  có quan hệ phê phán đối với chính quyền, lên án mọi biểu hiện của bất công, vô nhân đạo, phản nhân văn, phản dân chủ;

7-  trung thành với niềm tin do lương tâm mình mách bảo, ngay cả trong những điều kiện khó khăn nhất, kể cả phải hy sinh quyền lợi bản thân;

8 – nhận thức thực tế một cách mơ hồ, dẫn đến dao động về chính trị và đôi khi có biểu hiện bảo thủ;

9 – Có niềm oán hận lớn trước những gì không thực hiện được trên thực tế hoặc trong tưởng tượng, kết quả là đôi khi trở nên hoàn toàn khép kín tự cô lập mình;

10 – Các nhà hoạt động chuyên môn trong các lĩnh vực khác nhau, và ngay cả trong cùng một lĩnh vực, thường hiểu lầm nhau, hậu quả là đôi khi nổi cơn ích kỷ hoặc bốc đồng.

Tepikin cho rằng một cá nhân có ít nhất một nửa số dấu hiệu trên đây có thể được gọi là “trí thức theo nghĩa đại khái của từ đó”. Chuyển sang ngôn ngữ Việt Nam đương đại, có thể tạm gọi những người thoả mãn 5/10 biểu hiện nêu trên là các “trí thức dự khuyết”.

Trong giới những người (thực sự) có học vấn của Việt Nam, đại đa số chắc hội đủ ba dấu hiệu cuối (8 – 10). Những người khoa bảng mà lúc đầu từng hoạt động chuyên môn nhưng sau bỏ để ra làm quan thì khó có thể giữ được các dấu hiệu 2, 4 – 10, nếu không nói rằng hai dấu  hiệu còn lại (1 và 3) đối với những người này không phải lúc nào cũng đáng tin cậy.

*

Tương truyền, trong một lần thuyết giảng, triết gia cổ Hy Lạp Plato đã định nghĩa “con người là một động vật đi bằng hai chân và không có lông vũ.” Diogenes – một triết gia cổ Hy Lạp khác –  nghe vậy bèn bắt một con gà, vặt sạch lông, thả vào giảng đường, rồi nói: “Các người hãy nhìn kìa, đó là Con Người theo định nghĩa của Plato!” Nghe nói Plato sau đó đã phải thêm “có móng rộng và bẹt” vào định nghĩa “Con Người” của mình.

Gẩn đây có một vài ý kiến của một số “Plato Việt Nam” muốn xác định lại các tiêu chí thế nào là trí thức. Ngay lập tức họ được các “Diogenes Việt Nam” lên tiếng sửa gáy. Đội quân các “Diogenes Việt Nam” rất hùng hậu, có tới cả ngàn. Thay vì sống trong thùng tô nô, họ sống trong các blog. Họ cũng không xách đèn đi tìm người lương thiện giữa ban ngày [8], bởi dường như đã biết trước câu trả lời. Họ lại càng không có cơ hội để làm như Diogenes khi gặp Alexander Đại Đế. Theo sử gia Plutarch, khi Alexander Đại Đế tới Corinth, những người đứng đầu thành phố và các triết gia đã lũ lượt kéo nhau tới yết kiến Alexander, chỉ riêng Diogenes vắng mặt. Alexander bèn đích thân đi tìm Diogenes, và thấy ông này đang nằm dài sưởi nắng bên cái thùng ông dùng làm chỗ ngủ. Khi Alexander Đại Đế hỏi: “Hỡi nhà hiền triết, ngươi có muốn ta làm gì giúp ngươi không?”, Diogenes đã trả lời: “Ngài hãy đứng tránh sang một bên để khỏi che lấp ánh mặt trời của tôi.” Các triết gia và đám tùy tùng của Alexander Đại Đế nghe vậy cười phá lên, trong khi chính Alexander Đại Đế nói: “Nếu ta không phải là Alexander thì ta đã là Diogenes.”

Tới đây tôi chợt nhớ tới ca từ trong một bài hát của nhóm hip hop Dead Brez:

Bạn muốn có một chiếc Lexus hay Công Lý?

Một ước mơ hay của cải?

Một chiếc BMW, một chuỗi hạt xoàn, hay Tự Do? [9]

Ca từ này đúng hơn bao giờ hết tại Việt Nam đương đại. Rõ ràng bạn không thể vừa được người ta cấp xe sang (hay tặng nhà to) lại vừa có Tự Do (hay Công Lý). Bạn chỉ có thể chọn một trong hai thứ đó. Lập luận rằng cưỡi xe BMW mới tiến được hoặc tiến nhanh hơn tới Công Lý (hay Tự Do) là ngụy biện, tự dối mình và lừa dối người khác. Đặc biệt, nếu bạn là một người lao động trí óc theo một chuyên môn nào đó, việc bạn chọn cái gì sẽ tự động xếp bạn vào hàng ngũ những “trí thức dự khuyết”, hay vào đám học giả xu thời đang ngày càng lạm phát trên đất nước này.

Tokyo, 25/2/2012

Chú thích:

[1] Tên đầy đủ Đại học Tổng hợp Quốc gia Maxcơva mang tên M.V. Lomonosov (Московский Государственный Университет имени М.В. Ломоносова), viết tắt là MGU (МГУ).

[2] Nguyên văn tiếng Nga: “Интеллектуальные силы рабочих и крестьян растут и крепнут в борьбе за свержение буржуазии и ее пособников, интеллигентиков, лакеев капитала, мнящих себя мозгом нации. На деле это не мозг, а говно”. Trích từ V.I. Lenin, Thư gửi A.M. Gorky ngày 15/9/1919, Toàn tập, Tái bản lần thứ 5, NXB Văn học Chính trị, 1978, tập 51, trang 48-49 (В.И. Ленин, Из письма А.М. Горькому от 15 сентября 1919 года, Полное собрание сочинений, издание пятое Изд-во политической литературы, 1978 г. т. 51, стр. 48-49) (Xem bản tiếng Anh tại đây)

[3] Nikolai Alexandrovich Berdyaev (Николaй Алексaндрович Бердяев) (1874 – 1948) – triết gia Nga; thời Sa Hoàng, do tham gia nhóm Marxist nên từng bị bắt năm 20 tuổi và bị đày biệt xứ; năm 29 tuổi do chỉ trích Nhà Thờ Chính thống Nga nên bị kết tội báng bổ và bị đày đi Siberia; dưới thời Xô Viết do không chịu chấp nhận chính thể của đảng Bolshevik áp đặt sự thống trị của nhà nước độc tài lên tự do cá nhân, nên đã bị chính quyền Xô Viết trục xuất cùng hơn 160 nhà văn và học giả danh tiếng khác sang Đức bằng tàu thủy vào tháng 9/1922 (từ một danh sách gồm 280 người bị bắt trong đó có 32 sinh viên).

[4] New World Encyclopedia, http://www.newworldencyclopedia.org/entry/Great_Purges;

Heroes & Killers of 20the Century: Joseph Stalin: http://www.moreorless.au.com/killers/stalin.html

[5] Theo báo cáo của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, 1/3 số thuyền nhân  (boat people)  Việt Nam đã chết trên biển vì bị giết, bão, bệnh tật, đói. Thống kê của Cao ủy này cho biết chỉ riêng năm 1981 có 15095 thuyền nhân  Việt Nam đã vượt biên từ Việt Nam tới được Thái Lan trên 455 thuyền. Trong số đó có 352 thuyền (77%) bị bọn hải tặc tấn công. Số vụ tấn công là 1149 tức trung bình mỗi chiếc thuyền bị hải tặc tấn công hơn 3 lần. 571 người Việt Nam đã bị hải tặc giết. 599 phụ nữ Việt Nam đã bị hải tặc hãm hiếp. 243 người Việt Nam đã bị bắt cóc.

[6] Postwar Vietnam: Dynamics of a transforming society, Ed. Hy V. Luong, (Rowman & Littlefield Publishers Inc., 2003).

[7] Виталий Тепикин, Интеллигенция, ее роль в культурном процессе. Vitaly Tepikin là tiến sĩ lịch sử, chuyên gia về lý thuyết và lịch sử trí thức, giáo sư thuộc viện Tri thức khoa học tự nhiên Nga (Российская академия естествознания).

[8] Diogenes từng xách đèn đi ngoài phố giữa ban ngày. Khi được hỏi làm gì đấy, ông trả lời: “Tôi đi tìm một người lương thiện.” Tương truyền ông chỉ gặp toàn bọn bất lương và vô lại.

[9] Nguyên văn: You would rather have a Lexus or Justice? A dream or some substance? A Beamer, a necklace or Freedom?

http://nguyenvantuan.net/news/6-news/1419-tri-thuc-tu-do-va-cong-li

=====================

6. Câu chuyện trí thức hay là bàn về trách nhiệm xã hội của những người hiểu biết

11:00-30/01/2012

Giản Tư Trung


11:00-30/01/2012
Câu chuyện trí thức hay là bàn về trách nhiệm xã hội của những người hiểu biết

Giản Tư Trung

Bàn về trí thức hay bàn về vai trò của trí thức thực chất cũng chính là bàn về trách nhiệm xã hội của những người hiểu biết.

“Trí thức và vai trò của trí thức” hay “câu chuyện về trí thức” là một đề tài không mới, nhưng chưa bao giờ cũ. Đây cũng là một đề tài rất phức tạp và dễ gây tranh cãi, nhưng là một đề tài đầy ý nghĩa đối với bất cứ xã hội nào, trong bất cứ thời đại nào. Có rất nhiều góc nhìn khác nhau về trí thức, mỗi góc nhìn lại cho ta một cách hiểu về trí thức và vai trò của trí thức. Nếu ta có được nhiều góc nhìn về một vấn đề thì ta sẽ có cơ hội hiểu vấn đề đó một cách đầy đủ và sâu sắc hơn, vì khi đó không chỉ thấy “cây”, mà còn thấy “rừng”.

Trong phạm vi bài viết này, từ một góc nhìn, tôi cho rằng, trí thức là người có trí và luôn dùng cái trí của mình để góp phần thức tỉnh xã hội nhằm hướng mọi người đến cái đúng và cái đẹp. Nếu ai đó “có trí” (sự hiểu biết) nhưng lại “không thức” (không thức tỉnh xã hội) mà để cho xã hội “ngủ” thì bị gọi là “trí ngủ”, chứ không phải là “trí thức”. Nếu ai đó thích làm cái việc của trí thức là “đánh thức xã hội” nhưng lại “thiểu trí”, “lệch trí” hay “vô trí” thì gọi là “trí dỏm” (cũng có học hàm, học vị nhưng đầu óc lại trống rỗng, hoặc cũng có chút hiểu biết nhưng hiểu biết đó lại thể hiện sự lệch lạc và ẫu trĩ). Và nếu ai đó “có trí”, “có thức”, nhưng “thiếu tâm” (thiếu động cơ trong sáng) thì gọi là “trí gian” (gian manh, xu thời, cơ hội). Cả 2 loại “trí dỏm” và “trí gian” đều là “ngụy trí thức”, còn “trí ngủ” là “trí thức vô trách nhiệm”.

Sau khi GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ ý kiến của mình trên Báo Tuổi trẻ  đã có rất nhiều những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau luận bàn về vấn đề thế nào là “trí thức”. Tạm gác lại những khía cạnh khác, chỉ xét riêng về khía cạnh trao đổi thuật ngữ thì thấy có hai luồng ý kiến: Người thì đồng tình cho rằng trí thức là lao động trí óc, việc đánh giá là dựa trên kết quả, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội. Người thì phản đối cho rằng trí thức không chỉ là người chú trọng đến chuyên môn hẹp của mình, mà cần phải là một nhà khoa học có lương tri, nhìn thẳng vào thực trạng xã hội, dấn thân vì cộng đồng, phản biện, lên tiếng vì dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội.Tôi nghĩ mỗi người vốn dĩ không ai giống ai, từng người tùy theo sức lực, khả năng, sự đam mê mà lựa chọn cách thức, con đường đi riêng cho mình. Những trí thức có cách cống hiến bằng chính kết quả lao động hoặc bằng những hành động cụ thể của mình góp ích cho xã hội thì đã là đáng quí.Những trí thức mà không những giỏi chuyên môn, ngoài ra còn thể hiện sự cảm thông trước nỗi đau của người dân, dám lên tiếng phản biện, dùng trí của mình để dẫn dắt, thức tỉnh xã hội thì lẽ dĩ nhiên sẽ còn đáng quí hơn. Như vậy, có thể thấy về bản chất giữa các khái niệm “trí thức” hay “trí thức của công chúng” theo tôi không hề có sự mâu thuẫn.Phản biện xã hội thời nào cũng cần, vì đó chính là tác nhân quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển. Tuy nhiên khi liên hệ với trường hợp Việt Nam cũng nên đặt ngược lại vấn đề liệu dư luận xã hội, thể chế ở Việt Nam đã đủ rộng lượng, đủ khoan dung, luật pháp Việt nam đã đủ thông thoáng để mở đường cho phản biện và tiếp thu phản biện chưa? Cần phải làm gì để cải thiện tình hình hiện nay và cần bắt đầu từ đâu?

Nguyễn Minh Tuấn
NCS Đại học Saarland, CHLB Đức

Có thể hình dung ba điều kiện để hình thành một con người “trí thức”, đó là: (1) “sự hiểu biết” (có trí); (2) “thức tỉnh xã hội”; và (3) “vì mục đích cao quý” (hướng xã hội đến cái đúng và cái đẹp, hướng xã hội đến cái chân-thiện-mỹ). Nếu không hội đủ cả 3 điều kiện này (mà chỉ có 1 hay 2 trong 3 điều kiện) thì hoặc là “trí ngủ”, hoặc là “trí dỏm”, hay “trí gian”, chứ không phải là “trí thức”. Hay nói một cách nôm na, trí thức là người “có Trí”, “có Thức” và “có Tâm” (có 3T).Từ cách hiểu này, chúng ta có thể thấy rằng, bàn về trí thức hay bàn về vai trò của trí thức thực chất cũng chính là bàn về trách nhiệm xã hội của những người hiểu biết. Tôi rất thích một câu nói của Einstein “Thế giới này là một nơi nguy hiểm, không phải vì những kẻ xấu xa mà vì những người chỉ biết đứng nhìn và không làm gì cả”. Câu nói này nói về trách nhiệm xã hội (trách nhiệm “làm người”) của một người bình thường đối với cái xã hội hay cái cộng đồng mà mình đang sống. Một người bình thường vô cảm thì đáng phê phán, còn một người có hiểu biết sâu sắc và được lắng nghe mà yên lặng thì còn đáng phê phán hơn. Một người bình thường còn có trách nhiệm xã hội như vậy, đối với những người có hiểu biết thì trách nhiệm xã hội này còn lớn hơn. Nói cách khác, vai trò của những người có hiểu biết là: dùng sự hiểu biết (và cả uy tín) của mình để góp phần giúp cộng đồng phân định rõ hơn sự đúng-sai, phải trái, chân-giả, thiện-ác, hay-dở, tốt-xấu, nên-không nên… trước những vấn đề chung mà xã hội đã, đang và sẽ gặp phải hay trải qua; dùng sự hiểu biết của mình để truyền bá tinh thần, tư tưởng, quan điểm mà mình tin là cần thiết để góp phần thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng tiến bộ; dùng sự hiểu biết của mình để góp phần xác lập những chuẩn mực xã hội, những thang giá trị xã hội và đồng thời ra sức bảo vệ những chuẩn mực và giá trị đó; dùng sự hiểu biết của mình để góp phần định hướng, định hình xã hội… Tất nhiên sự phân định, sự truyền bá, sự xác lập hay sự định hướng, định hình này cũng cần phải dựa trên cái nền là những giá trị vượt không gian và vượt thời gian, những giá trị có tính phổ quát của thế giới đương đại hay thế giới tương lai.

Và tất nhiên, để thực hiện trách nhiệm xã hội của mình thì người hiểu biết có thể nói, có thể viết, hay có thể làm gì đó (bởi lẽ không phải tất cả những người hiểu biết đều giỏi nói hay giỏi viết). Vì làm một điều tốt cũng là cách gián tiếp góp phần đấu tranh tiêu diệt cái xấu; làm một điều đúng, cũng là cách gián tiếp góp phần chỉ cho người khác thấy những cái sai…Thêm nữa, khi nói đến trí thức là nói đến vấn đề “chân lý”. Không ai được phép độc quyền chân lý, nhưng ai cũng được quyền góp phần xác lập chân lý. Giới trí thức thường tự phân biệt giới mình với những giới khác ở chỗ luôn nỗ lực khám phá chân lý, xác lập chân lý và bảo vệ chân lý. Đó cũng là lý do vì sao mà người ta thường nói, chân lý thường không thuộc về số đông hay “kẻ mạnh”, mà thường thuộc về những người có hiểu biết (hay còn gọi là giới trí thức, giới tinh hoa). Nếu chân lý có thuộc về “kẻ mạnh” (nhưng thiếu hiểu biết) thì điều đó chắc chắn cũng chỉ là tạm thời mà thôi.Khi bàn về trí thức thì người ta thường bàn về vai trò, trách nhiệm, công việc, sứ mệnh, thiên chức của trí thức. Tuy nhiên, cũng cần phải bàn về “điểm mù” của trí thức, dù trí thức có cái trí hơn người. Bởi lẽ, trí thức cũng là con người, mà đã là con người thì cũng sẽ có cái nhầm, có lúc sai mà mình không hề biết; Bởi lẽ, trí thức cho dù có trí thế nào đi nữa thì sự hiểu biết vẫn chỉ là hữu hạn. Điểm mù ở đây được hiểu là “mình không biết cái mà mình không biết” hay “mình cứ tưởng mình hiểu rất rõ một thứ nhưng thực ra mình chẳng hiểu gì cả hay hiểu một cách lệch lạc”. Khi chia sẻ, tranh luận hay góp ý sẽ giúp mỗi người nhìn thấy điểm mù của người và của mình. Khi nhận ra điểm mù của mình cũng là lúc “mình biết rõ cái mà mình không biết”; và khi nhận ra những “cái mà mình không biết” cũng là lúc cảm thấy mình thực sự hiểu biết. Đó cũng là điều kiện để mình có thể hiểu biết thực sự và là cơ hội để đẩy nhận thức và hiểu biết của mình đi xa hơn. Do vậy, cùng với trách nhiệm “thức tỉnh xã hội” thì trí thức cũng có một trách nhiệm với bản thân là liên tục “phản tỉnh chính mình”, phản tỉnh với những điểm mù (nếu có) của mình. Nếu không liên tục “phản tỉnh chính mình” hay thậm chí là “phản tư chính mình” thì người hiểu biết sẽ dễ trở thành người ít hiểu biết hay người ấu trĩ trong một số vấn đề (kể cả những vấn đề thuộc chuyên môn hay sở trường của mình), và khi đó sẽ không chỉ khó thực hiện được tốt cái vai trò “thức tỉnh xã hội” vốn có của mình, mà còn có thể gây nguy hại cho xã hội.Ở bất cứ xã hội nào thì sứ mệnh của trí thức vẫn thế. Và đối với những xã hội mà trong đó còn đầy rẫy sự bất thường thì một trong những sứ mệnh lớn nhất của trí thức chắc hẳn là góp phần đưa sự bất thường đó trở về sự bình thường. Nói cách khác, trong những xã hội mà sự bất thường của sự việc, sự vô minh của cái đầu, vô cảm của trái tim đang bao trùm thì trách nhiệm của người trí thức, của những người có hiểu biết còn nặng nề hơn (vì có quá nhiều cái cần phải khai sáng, cần phải thức tỉnh) và nguy hiểm hơn (vì không dễ dàng gì để làm cái chuyện khai sáng hay thức tỉnh trong những xã hội này).Nhưng, đã là người có hiểu biết thì không thể không làm gì cả, bằng cách này hay cách khác, dù nhỏ bé hay lớn lao, dù ồn ào hay lặng lẽ…

Sài Gòn, 25/01/2012

http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=4847

===========================

7. Lẽ phải không cần cái mác “trí thức”

1. Tôi nghĩ chỉ có người điên mới nói rằng “phản biện” là không cần thiết hay nói rằng không cần trách nhiệm cộng đồng, nhất là ở những người có vị thế xã hội về kinh tế hay kiến thức. Việc lên tiếng chống sự độc tài, ủng hộ lẽ phải, đấu tranh vì công lý … hiển nhiên là đáng tuyên dương và ủng hộ, từ bất kỳ ai — “trí thức” hay không.

2. Tuy nhiên, điều tôi thấy “bánh vẽ”, không cần thiết, nằm ở chỗ sau đây: lẽ phải tự nó phải đáng được lên tiếng — không cần treo thêm cái mác “trí thức” vào. Lẽ ra người ta nên nói: “hãy cùng nhau lên tiếng vì lẽ phải”, thì tôi lại thấy nhiều người nói: “phải lên tiếng vì lẽ phải thì mới là trí thức”. Nói như vậy tự nhiên “belittle” những người như nhóm bác sĩ tình nguyện “vì nụ cười”, chỉ dùng chuyên môn của họ đi mổ sứt môi cho trẻ em khắp thế giới. Tôi thấy không có lý do gì mà các bác sĩ tình nguyện này không “xứng” tầm “trí thức”, cho dù họ không có bất kỳ câu nào “phản biện”. Khái niệm trí thức rất mông lung, distracting, làm cho người ta tranh luận về cái lý tưởng thay vì những quyền lợi cụ thể, vấn đề cụ thể đầy bức xúc như vụ anh Vươn, hay việc thiếu tự do ngôn luận ở VN. Vì thế, tranh luận “thế nào là trí thức” là một cuộc tranh luận — theo tôi — hoàn toàn không cần thiết.

3. Tranh luận về khái niệm “trí thức” còn dẫn đến một sự phản cảm rất tự nhiên: một số vị hay “phản biện” thì cũng lớn tiếng nói “phản biện là một điều kiện cần cho trí thức”. Có thể họ không tự tuyên bố bản thân họ là “trí thức”, nhưng khi họ đi tranh luận về cái nhãn này không khỏi làm người ta nghĩ là họ cần cái nhãn đó. Trí thức hay không, hãy để cho hậu thế viết lịch sử. Mà quan trọng gì cái nhãn, miễn là mình làm được việc. Do đó, tranh luận về trí thức không những là điều không cần thiết, mà còn gây phản ứng ngược. Không phải bánh vẽ là gì?

4. Tôi chỉ thấy có một lợi điểm của việc tranh luận nghiêm túc về “trí thức”. Đó là: nó có khả năng truyền cảm hứng cho chúng ta sống và làm việc theo “mẫu trí thức lý tưởng”, lên tiếng ủng hộ lẽ phải, ủng hộ tự do, chống lại cường quyền, vân vân. Điều này tốt thôi! Hoàn toàn có thể định nghĩa “trí thức lý tưởng” như là một hình mẫu để chúng ta noi theo. Tuy nhiên, một số người viết về “trí thức” theo nghĩa này, như bài của chị Phạm Thị Hoài trên BBC hay bài của anh Nguyễn Đình Đăng, dùng ngôn ngữ khá là miệt thị. Tác dụng của ngôn ngữ miệt thị là sẽ làm cho đối tượng “sửng cồ” lên, phản ứng ngược, tìm cách bào chữa, hoặc bất đồng với khái niệm “trí thức lý tưởng”. Nói tóm lại là đã không làm cho họ cố noi theo trí thức lý tưởng thì chớ, mà lại còn làm cho họ “trùm chăn” kỹ hơn. Vả lại, nếu người ta thấy điều phải không làm, thì người ta có làm điều phải … vì sẽ được gọi là “trí thức” không?

5. Định nghĩa “trí thức lý tưởng” tôi thấy khiên cưỡng. Cái gì mà phải thoả năm trong mười điều kiện A, B, C. Nếu đã lên tiếng vì lẽ phải thì tại sao không xắn tay áo vì lẽ phải, đã xắn tay áo vì lẽ phải thì tại sao không cầm súng vì lẽ phải, theo chân Che Guevara vào rừng kháng chiến. Đâu là điểm dừng? Các vị tranh luận ngồi sau bàn phím có vào rừng kháng chiến không? Tôi nghĩ đa phần là không — như vậy là tri hành bất nhất, làm sao “trí thức” được? Tóm lại vấn đề chỉ là định lằn ranh làm việc vì lẽ phải, vì cái bánh thật, ở đâu thôi; chứ không hẳn là vì một “chân lý tối hậu” của hành vi. Mà khi mình đã đặt lằn ranh “trí thức” là ở chỗ “lên tiếng phản biện” thôi, không “vào rừng kháng chiến”, thì mình cũng phải chấp nhận những người khác đặt lằn ranh của họ ở chỗ khác. Họ chọn đi mổ sứt môi thay vì phản biện chẳng hạn!

À mà này, trong các điều kiện A, B, C của “trí thức” có các điều kiện như “nhậu ít”, “ăn nói nhỏ nhẹ”, “lịch sự với phụ nữ”, hay “dùng thống kê trung thực” không nhỉ?

6. Kể cả cái hình ảnh “trí thức lý tưởng” như Noam Chomsky chẳng hạn; tầm ảnh hưởng của ông (trừ phần ngôn ngữ học chuyên môn chính của ông) ở Mỹ phải nói là … khiêm tốn từ sau 75 đổ lại đây. Sách viết về chính trị của ông bọn chính trị gia không làm theo, và cả bọn làm về khoa học chính trị cũng không mấy quan tâm. Chúng ta có thể nói: “mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên, làm gì cho đúng lương tâm là được”. OK. Nhưng chính vì thế, không nên mỉa mai những người chọn con đường khác; chọn tác động vào những thay đổi cụ thể, thay đổi nhìn thấy được: thay đổi nếp sống văn hoá, bớt nhậu nhẹt, tôn trọng luật đi đường, tranh luận một cách văn minh. Hay, nói như Vàng Anh là dạy trẻ con đánh răng (không phải chuyện dễ dàng!). Con đường đó cũng hữu lý không kém con đường “self-righteousness”. Gọi những người như vậy là “trí thức” cũng được, có “mất gì của bọ” đâu mà phải tranh luận?

Nói tóm lại, hãy cùng lên tiếng vì lẽ phải. Hay tốt hơn hết, là hãy cùng xắn tay áo vì lẽ phải! Và khi nào rảnh lắm thì tán dóc về trí thức. Nhưng tôi nghĩ phất lá cờ “trí thức chính nghĩa” là công việc vô bổ. Self-righteousness rất là phản cảm.

(Bật mí một chút: tôi rất hèn, chỉ thích đi bơi, lập trình, và giải vài bài toán đồ thị lăng nhăng, nên không xứng với bất kỳ chữ “trí thức” nào!)

Nguồn: GS. Ngô Quang Hưng

http://www.procul.org/blog/2012/02/01/l%E1%BA%BD-ph%E1%BA%A3i-khong-c%E1%BA%A7n-cai-mac-tri-th%E1%BB%A9c/

Ý kiến về bài viết này:

1/ Phạm Việt Hưng, http://viethungpham.wordpress.com/

“Tôi đã đọc bài “Lẽ phải không cần cái mác “trí thức”” của Ngô Quang Hưng. Nội dung cơ bản của bài này là sự đối lập với ý kiến của những người như Chu Hảo, hay Nguyễn Huệ Chi, v.v. – những người cho rằng “Không có tư duy phản biện, không phải là trí thức!”.

Đáng tiếc là Ngô Quang Hưng không hiểu cái tư tưởng chủ đạo trong ý kiến của những người như Chu Hảo hay Nguyễn Huệ Chi, mà lại bám vào tiểu tiết từ ngữ “trí thức” để mổ xẻ, làm cho vấn đề trở thành rắm rối, tầm thường hoá và vô ích.

Nói cách khác, Ngô Quang Hưng chỉ thấy cái vỏ của từ ngữ mà không hiểu được thông điệp cơ bản trong những ý kiến đòi hỏi người trí thức phải có phản biện. Bản thân chữ “phản biện” ở đây, theo tôi, chỉ có ý nghĩa đơn giản là nói lên sự thật bị che lấp, hoặc bị bóp méo.

Kiểu mổ xẻ của Ngô Quang Hưng cho thấy ông này đúng là một chuyên gia lập trình, quen tư duy logic máy móc, chứ không có khả năng tư duy trực giác, tư duy tổng hợp, nắm bắt được chiều sâu của nghĩa lý.

Theo tôi hiểu thì những phát biểu của những người như Chu Hảo hay Nguyễn Huệ Chi,v.v. cũng chỉ muốn nói lên một điều rất đơn giản là người trí thức phải là người có lương tâm, và do đó phải lên tiếng bênh vực cái tốt, lên án cái xấu, hay nói gọn là phải nói lên lẽ phải (từ ngữ của Ngô Quang Hưng). Thiết tưởng điều này là rõ ràng và dễ hiểu, vậy tại sao lại gán cho họ cái ý đồ “tiêu chuẩn hoá trí thức”, để rồi bảo “trí thức là cái bánh vẽ”? Tại sao lại biến một cuộc thảo luận về nhân tình thế thái thành chuyện tranh cãi tầm thường về từ ngữ?

Không biết vô tình hay hữu ý, Ngô Quang Hưng cũng lặp lại ý kiến cơ bản của Ngô Bảo Châu. Nhưng may cho Ngô Quang Hưng là kém nổi tiếng hơn nên không bị dư luận đập cho tơi bời như Ngô Bảo Châu. Tôi đọc ý kiến của Bọ Lập viết về “Châu giáo sư” thì nhận ra một điều là nhiều nhà khoa học đôi khi tự biến mình thành một anh hề trước công chúng.

Tôi luôn luôn tâm niệm lời dạy của Francois Rabelais: “Science sans conscience n’est que ruine de l’âme” (Khoa học vô lương chỉ là sự hư nát của linh hồn). Nói một cách dân dã thì khoa học chẳng là cái đinh gì cả nếu nó không luôn luôn tỉnh thức để đề cao lương tri.

Kỳ vọng về phản biện của trí thức chẳng qua là kỳ vọng vào lương tri của trí thức, đơn giản có thế thôi. Chẳng lẽ điều đó sai ư?

Trong bài của Ngô Quang Hưng, có chỗ nói Nguyễn Đình Đăng dùng những lời lẽ quá nặng nề,… nhưng Ngô Quang Hưng tảng lờ một sự thật phũ phàng mà Nguyễn Đình Đăng đề cập đến: đó là những sự tàn bạo trong chế độ Sô-viết trước đây. Những sự thật đó chính là chỗ thử thách lương tâm trí thức đấy. Có thể Ngô Quang Hưng còn quá trẻ để hiểu được những đau đớn của nhân loại trong quá khứ chăng? Trong khi một người có tuổi như tôi thì hiểu rõ những điều Nguyễn Đình Đăng muốn nói.

Một nhà khoa học Mỹ thành công trong thí nghiệm cấy tế bào não người vào não chuột, chuẩn bị làm thí nghiệm ngược lại, bị báo chí chất vấn: “Ngài nghĩ sao khi thí nghiệm của ngài có nguy cơ vi phạm đạo đức, vì nó xoá nhoà ranh giới giữa con người với con vật?”, nhà khoa học đó thản nhiên trả lời: “Chuyện đạo đức thuộc phạm vi của các nhà đạo đức học, tôi không chịu trách nhiệm đối với những gì không thuộc phạm vi nghiên cứu của tôi”. Tôi e rằng kiểu biện luận của hai nhà khoa học họ Ngô của chúng ta sẽ tạo ra những mảnh đất ươm giống cho những tư tưởng tách rời nghề nghiệp chuyên môn của trí thức với lương tâm đạo đức. Đó sẽ là một thảm hoạ mà Rabelais đã cảnh báo.”

2/ Nguyễn Đức Hiệp, Hiep.Duc@environment.nsw.gov.au

“Tôi đã tưởng ông NQH lo làm “bánh thật” không còn lo chuyện “bánh vẽ” nữa. Và tôi và các bác cũng đang lo chuyện “bánh thật” của mình. Thì đột nhiên không hiểu sao, ông NQH lại bỏ bánh thật (trong khi mọi người đã qua) để trở lại bánh vẽ. Có lẽ như ông ấy cũng thích bàn chuyện “bánh vẽ” mà ông đã chế nhạo cho là không thực dụng. Rất là self-contradictory, tự mâu thuẩn và thiếu logic

Nhưng bàn chuyện “bánh vẽ” phải có logic và trong tinh thần khoa học  trong phạm vi câu truyện, tôn trọng lẫn nhau và cầu thị.

(1) Ông NQH mang trở lại bàn chuyện các tiêu chuẩn trí thức, cứ tưởng ông sẽ cho ý kiến hay phản bác gì về các tiêu chuẩn. Nhưng không. Ông chế giễu:

“trong các điều kiện A, B, C của “trí thức” có các điều kiện như “nhậu ít”, “ăn nói nhỏ nhẹ”, “lịch sự với phụ nữ”, hay “dùng thống kê trung thực” không nhỉ?”.

Thật thất vọng.

Đúng như anh PQT đã nói: đánh trống lãng! Một thói xấu thường có ở người Việt khi không muốn đối diện với cái khó khăn.

(2) Ông NQH có vẽ miệt thị những người bàn chuyện trí thức như ông viết “Có thể họ không tự tuyên bố bản thân họ là “trí thức”, nhưng khi họ đi tranh luận về cái nhãn này không khỏi làm người ta nghĩ là họ cần cái nhãn đó”.  Ông đánh đồng tất cả mọi người bàn chuyện trí thức là cần cái nhãn hiệu đó. A big leap of faith in logic ! Nhưng ngoài cái nhảy logic rất lớn này còn thấy rõ một thái độ: khinh người.

Do đó ông đi tới kết luận theo “logic” của ông: “Mà quan trọng gì cái nhãn, miễn là mình làm được việc. Do đó, tranh luận về trí thức không những là điều không cần thiết, mà còn gây phản ứng ngược. Không phải bánh vẽ là gì?” .

Tức là stop, đừng tranh luận gì nữa. Đi làm việc ! Ông cũng không nói rõ là làm việc gì (có thể là làm việc như ông ấy).

Nói tóm lại theo NQH: ai bàn chuyện trí thức là ham danh trí thức là bánh vẽ

Wow, logic của một người khoa học!

(3) Bertrand Russel, Jean Paul Sartre, Albert Camus, Edward Said, Noam Chomski… coi chừng các ông toàn là vô dụng, bàn cái bánh vẽ! Các ông nói về justice (lẽ phải) thì như ông NQH nói “đã lên tiếng vì lẽ phải thì tại sao không xắn tay áo vì lẽ phải, đã xắn tay áo vì lẽ phải thì tại sao không cầm súng vì lẽ phải, theo chân Che Guevara vào rừng kháng chiến”.

Nếu không đi làm cách mạng được thì ông NQH nói “như vậy là tri hành bất nhất, làm sao “trí thức” được?”. Không hiểu ông NQH có biết rằng Bertrand Russel lên tiếng chống chiến tranh Việt Nam (lên tiếng đứng về lẽ phải) đã có tác dụng thế nào với phong trào chống chiến tranh, nhân dân tiến bộ, giới truyền thông và làm chính phủ Mỹ và phương Tây bị áp lực phải dè dặt, nhượng bộ trong các chính sách của họ ở Việt nam và góp phần vào sớm chấm dứt cuộc chiến không? Ông Bertrand Russel và Noam Chomski không cần phải cầm súng vào rừng như ông NQH kêu gọi hay bắt họ theo logic của ông NQH. Chắc ông NQH biết câu ngạn ngữ: “The pen is mightier than the sword”.

Theo ông NQH: Lên tiếng lẽ phải là Phải sắn tay áo, cầm súng là tri hành hợp nhất là trí thức

Wow, một logic nữa của một người khoa học!

Nói tóm lại ông NQH rất tự mâu thuẩn: ông chỉ trích tất cả các người mà ông gọi là trí thức gây phản cảm cho ông (như Phạm Thị Hoài, Nguyễn Đình Đăng) khi ông không đồng ý với họ, nhưng tự ông dùng illogic với thái độ khinh miệt không tôn trọng và cầu thị, cũng rất phản cảm. Ông khinh miệt ai bàn về cái bánh vẽ, nhưng chính ông cũng bàn và nói về cái bánh vẽ.

Ông học toán biết logic nhưng ông không nói chuyện logic. Ông không tri hành hợp nhất, nhưng ông lại thích bắt người ta phải tri hành hợp nhất. Vì ông biết thế, nên ông “bảo bọc” trước bằng cái võ “( “(Bật mí một chút: tôi rất hèn, chỉ thích đi bơi, lập trình, và giải vài bài toán đồ thị lăng nhăng, nên không xứng với bất kỳ chữ “trí thức” nào!)”). Ở đây người ta gọi là hypocrite”

==============================

8. Nghĩa hiện nay của từ ‘trí thức’

Cập nhật 02/02/2012 10:59:55 AM (GMT+7)

Nghĩa hiện nay của từ ‘trí thức’

– Từ “trí thức” xuất hiện năm 1906 với nội hàm mới, đủ phân biệt với những từ ngữ vẫn quen dùng trước đó. “Trí thức” xâm nhập Việt Nam từ ngót trăm năm, đến nay nghĩa gốc có nhiều thay đổi. Đại thể, có hai hướng lớn.

 

Nghĩa ban đầu

Intellectuel (tiếng Pháp) hay intellectual (tiếng Anh) trong từ điển vốn là một tính từ, còn danh từ gốc của nó là intellect (trí  tuệ, trí thông minh). Nhưng một văn bản kháng nghị công bố năm 1906 – do nhà văn Zola ký tên đầu – lại được thủ tướng Pháp Clemenceau (tiến sĩ, nhà báo) gọi là Tuyên ngôn của Trí thức (Manifeste Des Intellectuels).

Thế là một tính từ trở thành danh từ mới, chưa hề có trong các từ điển lớn trước đó như Larousse 1866-1878 hay Đại từ điển Bách khoa 1885-1902. Ngay sau đó, thế giới đã chấp nhận một từ ngữ mới.

Đó là bản kháng nghị nổi tiếng, của các nhà văn, nhà khoa học nổi tiếng, chống lại một bản án oan cũng nổi tiếng là xấu xa trong lịch sử tư pháp (xử đại úy Dreyfuss, sau gọi là “Sự kiện Dreyfuss”).

Trên thực tế, các tác giả của bản kháng nghị đã bị chính quyền chỉ trích, phân biệt đối xử, hăm dọa, kể cả tù đầy, nhưng không nao núng, mà vẫn theo đuổi sự việc tới cùng. Nay gọi là dấn thân.

Như vậy, danh từ “trí  thức” ra đời nhân một sự kiện chống bất công nói riêng và chống mọi bất cập của xã hội nói chung.

Từ đó, một người có học vấn cao sẽ được mang danh “trí thức” nếu ông ta sẵn sàng tạm bước ra khỏi lĩnh vực chuyên sâu của mình để lên tiếng – với lập luận vững chắc – về những bất cập xã hội, với động cơ không vụ lợi. Nay gọi là phản biện.

Sau 100 năm, nghĩa gốc bị thay đổi

Từ rất lâu trước khi có từ “trí thức”, xã hội đã sử dụng nhiều từ tôn vinh dành cho những người có học vấn uyên thâm, làm nghề sáng tạo: nào là học giả, nhà văn, nào là nghệ sĩ, bác học…

Đó là bước tiến lớn khi xã hội nhận ra các sản phẩm tinh thần ngày càng đặc trưng cho văn minh nhân loại.

Từ “trí thức” xuất hiện năm 1906 với nội hàm mới, đủ phân biệt với những từ ngữ vẫn quen dùng trước đó… Để được gọi là trí thức, điều kiện “cần” là làm nghề sáng tạo các giá trị tinh thần; còn điều kiện “đủ” là phản biện xã hội – để xã hội tốt đẹp thêm.

“Trí thức” xâm nhập Việt Nam từ ngót trăm năm, đến nay nghĩa gốc có nhiều thay đổi. Đại thể, có hai hướng lớn:

– Một hướng cố giữ nguyên nghĩa: tuy chỉ thoi thóp, bị chìm lấp, nhưng khi cần thiết và gặp hoàn cảnh thuận lợi vẫn cứ bùng lên – chứng tỏ nó chưa chết hẳn. Bằng chứng là cách đây 5 năm – khi mọi người thảo luận sôi nổi về vai trò trí thức – đã có những “suy nghĩ về khái niệm trí thức”. Sau đó, thêm một ý kiến khác tỏ vẻ không đồng tình (với hướng thứ hai) về sự tầm thường hóa trí thức, với nhận định “trí thức ngày càng đông, nhưng càng… không đúng nghĩa”…

– Một hướng khác, áp đảo, đã rất thành công biến “trí thức” thành một từ bao quát và gói ghém trong nó tất cả các từ cụ thể quen dùng trước đó (như: học giả, soạn giả, tác gia, bác học, văn gia…). Ở mức độ cụ thể hơn nữa, ta có các từ chỉ rõ bằng cấp và nghề nghiệp của họ (ví dụ): tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc, giáo sư, nhà văn, nhà khoa học, nhà toán học… Tất cả, đều được quan điểm này coi là trí thức.

Theo hướng thứ hai, công lao của người sáng tạo từ “trí thức” rốt cuộc chỉ là đưa ra một từ chung, để gộp vào nó các từ sẵn có về giới “có học” trong xã hội.

Hướng thứ hai mạnh tới mức khuất phục được cả nhiều người soạn từ điển và soạn Nghị Quyết ở nước ta. Và do vậy, cũng là ý kiến của đông đảo bạn đọc trong cuộc thảo luận đầu năm 2012. Cụ thể, số người nói giống như GS Ngô Bảo Châu (và như Nghị Quyết) vẫn đông gấp bội số người đồng ý với GS Chu Hảo.

GS X:

“Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã  hội như chỉ tiêu  để được phong hàm “trí thức”… giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội”.

Nghị quyết số 27-NQ/TW (6-8-2008) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đã đưa quan điểm:

Trí  thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất  định, có năng lực tư  duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội.

GS Chu Hảo:

Không có  tư duy phản biện, không phải là trí thức.

Sự  thuận tiện và đắc dụng

Hướng thứ hai chiếm thế  áp đảo, được xem là chính thống, vì nó đem lại nhiều cái lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH). Thí dụ, sự thuận tiện khi cần nói gộp. Nó giúp chúng ta gộp vào khái niệm trí thức, từ Hoàng Tụy, Ngô Bảo Châu cho tới một người thầy tốt nghiệp trường cao đẳng nay dạy Toán ở bậc trung học ( cũng như trước đây rất thuận tiện khi gộp một văn hào với viên thư ký của ông ta vào giai cấp tiểu tư sản vậy).

Nó càng thuận tiện khi cần tổng kết thành tích đào tạo. Nếu – như hiện nay – coi tốt nghiệp cao đẳng cũng là trí thức, thì số lượng giới này của chúng ta đào tạo ra đã tới vài triệu – là đông đảo, hết sức phong phú.

Đương nhiên, để phát huy sức mạnh xây dựng CNXH của đông đảo trí thức, cần phải xếp họ vào đội ngũ – đúng như nghị quyết đã chỉ rõ. Nó cũng giúp chúng ta hiểu thêm một đặc trưng lớn của trí thức XHCN.

  • GS Nguyễn Ngọc Lanh

TRÍ THỨC LÀ GÌ?

Lời chủ nhân blog: Gần đây, có nhiều bàn tán về trí thức là gì, vai trò của trí thức, v.v. Tôi nghĩ tôi cần học thêm về vấn đề này. Có mấy bài đáng suy ngẫm nên tôi lưu lại để học hỏi.

“Kẻ nào không tham gia vào việc công thì phải là súc vật hay thần thánh!”  – Triết gia Aristotle.

“Trí thức là những người có sự hiểu biết và biết thức tỉnh xã hội” – Giản Tư Trung.

“Người trí thức là người không để cho xã hội ngủ” – GS. Cao Huy Thuần

“Có 4 hạng trí thức trong xã hội Việt Nam ngày nay. Hạng 1 là những người “trí thức thứ thiệt”, đau đáu với vận mệnh đất nước quê hương và sẵn sàng dấn thân, cho dù họ không được lòng của giới cầm quyền. Hạng 2 là những người cũng quan tâm đến đất nước và dân tộc, cũng bức xúc trước những bất cập của xã hội, nhưng họ không dám dấn thân; Thay vì dấn thân, họ co rút trong cái không gian và môi trường nhỏ bé là gia đình. Hạng 3 là những người không màn đến các vấn đề xã hội dù cũng có chút hiểu biết về chính trị, nhưng họ không lên tiếng, không có hành động, mà thay vào đó là thái độ xu nịnh và lo làm ăn vì quyền lợi kinh tế cá nhân; Họ là những người thiếu lập trường, không có niềm tin, nhưng lại rất hãnh diện về những học vị và học hàm (có thể là dỏm hay mua bán) của họ. Hạng 4 là những người cũng thông minh, nhạy cảm với thời cuộc, và sử dụng thông minh của mình để dèm pha người khác; họ là những con buôn chính trị” – Đào Tiến Thi

“Nhưng theo cách hiểu của tôi thì chỉ có hạng 1 là những người trí thức thật sự, còn hạng 2, 3 và 4 thì ngụy trí thức là đúng hơn” – GS. Nguyễn Văn Tuấn

“Trí thức là người có tầm nhìn đứng cao hơn tầm nhìn chuyên môn của một chuyên viên” – Nguyễn Quang Minh

“Xuất phát từ thái độ trân trọng những lo âu dằn vặt của người khác, đặc biệt của những tấm gương khả kính, tôi xin bầy tỏ thái độ trân trọng đối với những vị đã gợi ý câu hỏi “trí thức là gì?” – Phạm Việt Hưng

“Nhưng gạt bỏ (việc bàn về khái niệm trí thức – NV) để khuyên người khác là nên chuyên tâm vào những việc khác (như những việc đại sự của các nhà có tầm vóc đã làm) và cho là các người (bàn về khái niệm trí thức – NV) là làm chuyện “bánh vẽ” thì tôi cho là trẻ con (nhẹ) hay khinh người, fascist học thuật (nặng)” – Nguyễn Đức Hiệp

“Đã là trí thức thì phải là người có tầm, có trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội” – GS. Nguyễn Huệ Chi

“Biết bao giờ người Việt (ít ra là người Việt có học thức) mới biết tranh luận cho ra hồn” – GS. Phạm Quang Tuấn

“Rõ ràng bạn không thể vừa được người ta cấp xe sang (hay tặng nhà to) lại vừa có Tự Do (hay Công Lý). Bạn chỉ có thể chọn một trong hai thứ đó. Lập luận rằng cưỡi xe BMW mới tiến được hoặc tiến nhanh hơn tới Công Lý (hay Tự Do) là ngụy biện, tự dối mình và lừa dối người khác. Đặc biệt, nếu bạn là một người lao động trí óc theo một chuyên môn nào đó, việc bạn chọn cái gì sẽ tự động xếp bạn vào hàng ngũ những ‘trí thức dự khuyết’, hay vào đám học giả xu thời đang ngày càng lạm phát trên đất nước này“ – TS. Nguyễn Đình Đăng

“Tôi luôn luôn tâm niệm lời dạy của Francois Rabelais: “Science sans conscience n’est que ruine de l’âme” (Khoa học vô lương chỉ là sự hư nát của linh hồn). Nói một cách dân dã thì khoa học chẳng là cái đinh gì cả nếu nó không luôn luôn tỉnh thức để đề cao lương tri. Kỳ vọng về phản biện của trí thức chẳng qua là kỳ vọng vào lương tri của trí thức, đơn giản có thế thôi. Chẳng lẽ điều đó sai ư?” – Phạm Việt Hưng

“Đóng góp theo kiểu người trí thức có nghĩa là dùng những khả năng mà người ta đặc biệt associate với trí thức: khả năng suy nghĩ độc lập, không để mình bị nhồi sọ hay bịt mắt, biết tự mình suy xét, khả năng tự học, tự tìm information, đánh giá và kết hợp information để có một cái nhìn đứng đắn về xã hội, tự tìm hiểu về những vấn đề của xã hội, và từ đó tự suy ra con đường phải làm gì do sự thúc đẩy của lương tâm. … Nhưng đánh đồng “trí thức” với “từ thiện” với “lao động trí óc” v.v. theo tôi, là muddled thinking” – GS. Phạm Quang Tuấn

(Trích từ blog của TS Toán học Lê Văn Út, ĐH Oulu, Phần Lan)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/dien-dan/58775/nghia-hien-nay-cua-tu–tri-thuc-.html

Ý kiến về bài viết này:

GS. Nguyễn Văn Tuấn:

Câu chuyện thế nào là trí thức vẫn chưa ngã ngũ. Báo Vietnamnet mới đăng ý kiến của Gs Nguyễn Ngọc Lanh về định nghĩa trí thức theo quan điểm “chính thống”. Đọc rất thú vị! Nhưng hoàn toàn không thuyết phục. Trong entry này, tôi giới thiệu một ý kiến khác của một người bạn tôi, Gs Phạm Quang Tuấn, về định nghĩa thế nào là trí thức. Cố nhiên, những ai cảm thấy mệt mỏi về chuyện này, thì vẫn tìm thấy một liều thuốc an thần sau khi đọc bài này.

Đến bây giờ tôi mới biết Đảng có hẳn một nghị quyết về trí thức! Có lẽ chỉ có Việt Nam ta mới có một tổ chức chính trị đưa ra một định nghĩa mà tôi nghĩ thuộc về phạm vi của giới học thuật. Qua bài báo của tác giả Nguyễn Ngọc Lanh, sau một bài lên lớp về tiếng Anh và tiếng Pháp không mấy chuẩn mực, tôi mới đọc được Nghị quyết 27-NQ/TW (6/8/2008) định nghĩa trí thức là “những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội.

Định nghĩa trên của Đảng cũng giống ý với định nghĩa mà X phát biểu trên Tuổi Trẻ: “Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.”

Tác giả Nguyễn Ngọc Lanh cho rằng định nghĩa này được nhiều người đồng tình. Nhiều bao nhiêu? “Đông gấp bội”, “áp đảo”. Đó là những chữ của tác giả Lanh. Chỉ rất tiếc một điều là chẳng có bằng chứng nào để nói như thế. Và, câu nói “đông gấp bội”, “áp đảo” làm môi nhờ đến loại fallacy có tên là ad numerum (nguỵ biện dựa vào đám đông). Ông Nguyễn Cao Kỳ lúc còn sinh thời, khi một kí giả hải ngoại hỏi ông về chuyến về thăm Việt Nam, và dùng câu “Nhiều người nói …”, ông liền ngắt lời và nói: Nhiều là bao nhiêu, ai nói, nếu đó là ý kiến của anh thì anh cứ nói như thế, sao lại mượn chữ “nhiều người”. Thẳng thắn như ông Kỳ mà tôi thấy hay.

Cả hai định nghĩa đều không đề cập đến cách hiểu thông thường về trí thức: đó là vai trò tham gia bàn luận những vấn đề ngoài lĩnh vực chuyên môn. Cứ đọc qua những tác giả như E. Said, R. Posner, N. Chomsky, SJ Gould, EO Wilson, v.v. (nhiều lắm), chúng ta có rất rất nhiều lí do để chất vấn định nghĩa trên. Lí do đơn giản nhất, hiển nhiên nhất làthực tế: những người có học mà chấp nhận một cách dễ dãi những gì được dạy thì không phảo là trí thức. Họ có thể là một chuyên gia có kiến thức chuyên môn cao, nhưng kiến thức ngoài chuyên môn của họ thì tương đương với kiến thức của một người thường dân. Đó là đặc điểm của người không phải là trí thức nhưng có học cao và lao động chủ yếu dựa vào trí óc. Cái căn cước tính của người trí thức là thái độhành động, và những giá trị mà họ muốn gìn giữ, dấn thân; căn cước tính của người trí thức không phải là học cao, chức vụ cao, hay lao động trí óc.

Định nghĩa trên vẫn chưa tách bạch được một người làm việc trí óc và có trình độ học vấn với một nhà trí thức. Bài viết dưới đây giải thích hai nhóm người đó.

Trí thức: quan điểm chính thống và quan điểm thông thường.

 GS. Phạm Quang Tuấn

Theo cách hiểu thông thường trong tiếng Anh thì người trí thức (intellectuals) là những người dùng tri thức để tham gia đóng góp bằng cách viết sách, viết báo, góp ý, tranh luận về những vấn đề xã hội (kể cả chính trị). Nếu không làm những việc đó mà chỉ đóng góp về chuyên môn (chẳng hạn nghiên cứu một định đề toán học hay nghiên cứu lỗ đen, big bang) thì trong tiếng Anh gọi là intellectual worker – người lao động bằng đầu óc. Intellectual và intellectual worker là hai động vật khác hẳn nhau.

Theo GS Nguyễn Ngọc Lanh viết trên vietnamnet (http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/dien-dan/58775/nghia-hien-nay-cua-tu–tri-thuc-.html): “Một người có học vấn cao sẽ được mang danh “trí thức” nếu ông ta sẵn sàng tạm bước ra khỏi lĩnh vực chuyên sâu của mình để lên tiếng – với lập luận vững chắc – về những bất cập xã hội, với động cơ không vụ lợi. Nay gọi là phản biện.” GS Lanh viết rằng đây là định nghĩa nguyên thủy của “the intellectual” – nhà trí thức. Đây cũng là cách hiểu của GS Chu Hảo khi ông nói rằng VN chưa có một thành phần trí thức (đáng kể) theo đúng nghĩa của nó.

Tuy nhiên, ở Việt Nam (phải ngầm hiểu là nước CHXHCNVN), gần đây “trí thức” đã mang một nghĩa khác: bất cứ người nào làm việc bằng đầu óc đều là trí thức, ví dụ: tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc, giáo sư, nhà văn, nhà khoa học, nhà toán học… Tức là, “người trí thức” đã trở thành đồng nghĩa với “người có học”.

Theo GS Lanh, định nghĩa này đã trở thành “áp đảo” ở Việt Nam, được sự chấp nhận của hầu hết dân chúng, và là định nghĩa chính thống của Đảng, theo Nghị Quyết số 27-NQ/TW (6-8-2008) về xây dựng đội ngũ trí thức: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội.”

Cũng theo GS Lanh, định nghĩa này được xem là “chính thống” tại VN, vì nó “đem lại nhiều cái lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (CN XH). Thí dụ, sự thuận tiện khi cần nói gộp. Nó giúp chúng ta gộp vào khái niệm trí thức, từ Hoàng Tụy, Ngô Bảo Châu cho tới một người thầy tốt nghiệp trường cao đẳng nay dạy Toán ở bậc trung học (cũng như trước đây rất thuận tiện khi gộp một văn hào với viên thư ký của ông ta vào giai cấp tiểu tư sản vậy)”.

(Phải công nhận GS Nguyễn Ngọc Lanh rất… lanh!)

Định nghĩa của GS X dang gây sóng gió trên mạng và báo chí, chẳng qua cũng chỉ là nhắc lại y nguyên định nghĩa “chính thống” này: “Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc… Giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội”.

Dân mạng, báo chí ồn ào bình luận. Có người thì bảo không cần phải định nghĩa trí thức làm gì để gây chia rẽ. Có người lại viết rằng đóng góp như thế nào cũng quý cả: phản biện xã hội, cho tiền từ thiện, nghiên cứu chuyên môn, cầm súng đánh giặc, mắm sốt hết, tốt như nhau, không cần phải phân biệt thế nào là trí thức hay không trí thức.

Theo thiển ý, cứ bảo cái gì cũng “same same” và định nghĩa thế nào cũng được chỉ là những cách lẩn tránh vấn đề. “Ôi chà, sao cũng được” là câu nói thích hợp cho bàn nhậu nhưng không giúp ta tập trung vào các vấn đề xã hội và tranh luận đến nơi đến chốn. Ít nhất, nó làm cho tiếng Việt nghèo đi và kém chính xác. Khi cuộc sống càng ngày càng phức tạp và chuyên môn hóa thì một quan niệm chân chính về người trí thức càng cần thiết. Ngày xưa, một chữ “sĩ” kết tinh rất nhiều giá trị của đạo Nho, một chữ đó đủ để nhắc nhở nhà Nho tất cả các bổn phận và cách cư xử của mình. Chữ “trí thức” cũng vậy và không ngạc nhiên khi thấy có những cố gắng để tái định nghĩa nó hay “thiến” bớt ý nghĩa của nó.

Người ta có thể đóng góp cho xã hội theo nhiều cách: như một nhà từ thiện, như một nhà chuyên môn, như một chiến sĩ, như một nghệ sĩ, như một trí thức. Những cách đó rất khác nhau. Cách nào cũng đáng quý, nhưng ở trong tình trạng xã hội chính trị VN hiện nay thì cách đóng góp theo cách của một trí thức chân chính đặc biệt đáng ngưỡng phục, vì nó khó khăn, nguy hiểm và cực kỳ cấp thiết.

Đóng góp theo kiểu người trí thức có nghĩa là dùng những khả năng mà người ta đặc biệt gán cho người có học: khả năng suy nghĩ độc lập, không để mình bị nhồi sọ, bịt mắt, lôi cuốn, biết tự mình suy xét, khả năng tự học, tự tìm thông tin, đánh giá, sàng lọc và tổng hợp thông tin để có một cái nhìn đứng đắn về xã hội, tự phát giác và đào sâu những vấn đề lớn của xã hội, và cố gắng góp ý một cách nghiêm túc, khoa học về cách giải quyết. Cách đóng góp đó sẽ gần như luôn luôn đưa đến sự phản biện chính quyền, nhất là khi chính quyền độc tài hay kém cỏi.

“Trí thức” theo định nghĩa trên hoàn toàn khác với “có học”, “có bằng cấp” hay “làm việc bằng trí óc”. Đánh đồng như vậy là cái sai lầm (có thể là cố ý) của Nghị Quyết 27-NQ/TW và của X. Một người không có bằng cấp, kiếm sống bằng cách lái taxi, nhưng biết tự đọc sách, tự học để phát triển các năng khiếu tìm tòi, suy nghĩ độc lập, v.v., và đóng góp cho xã hội với những khả năng đó, đối với tôi sẽ là một trí thức. Nhiều nhà trí thức thời Pháp thuộc không có bằng cấp cao lắm, và nhiều lúc phải đi làm những nghề chân tay như làm ruộng, rửa ảnh. Ngược lại, X, người Việt Nam thành tựu nhất về khoa học từ xưa đến nay, chưa thể được gọi là một nhà trí thức. Ông là một người lao động bằng trí óc, và đã đóng góp rất lớn trên cương vị này.

====================

9. Oleshuk Iu. F. – Trí thức nửa mùa

Giới trí đang bị nhiều người chỉ trích. Họ bị coi là người chịu trách nhiệm về những cuộc cải cách đầy tai hoạ hồi những năm 1990. Hơn nữa, có thể nhận thấy rõ xu hướng là người ta không chỉ lên án giới trí thức về chuyện đó, mà còn vì vai trò của họ trong lịch sử đất nước nói chung, bắt đầu gần như từ nửa sau thế kỷ XIX, tức là từ khi những nhà cách mạng “thông ngôn kí lục” bước vào con đường khủng bố. Những lời kết án mang tính khái quát như thế không làm ai ngạc nhiên. Chúng ta, một đất nước có truyền thống phản trí thức, một truyền thống đã mang đến không ít đau khổ cho cả trí thức lẫn nước Nga.
Tác giả không có ý định phán xét trách nhiệm của giới trí thức về những việc mà người ta quy cho họ trong quá khứ (chủ nghĩa phiêu lưu chính trị, thái độ cuồng tín cách mạng v.v…). Nhưng là một nhân chứng của những sự kiện diễn ra trong giai đoạn cải cách – tức là những sự kiện diễn ra trong hai mưoi năm gần đây – tôi có thể đánh bạo mà khẳng định rằng: giới trí thức không tham gia vào việc đó.
Cái dư luận xã hội đang đổ mọi tội lỗi lên giới trí thức, theo tôi là đã có một sai lầm căn bản. Nó cho rằng dường nó như biết được giới trí thức là gì và ai là những người trí thức vậy.
Nói chung, hiếm khi tách biệt và xác định được bản sắc của giới trí thức – không phải ngẫu nhiên mà trong những câu chuyện về giới trí thức người ta luôn phải sử dụng những định thức khác nhau nhằm bổ sung và mở rộng khái niệm này (“giới trí thức sáng tạo”, “mang tính tích cực xã hội”, “cảm thấy có trách nhiệm đối với đất nước”, “sống bằng những nhu cầu tinh thần”). Nhưng trong trường hợp này vấn đề không phải là những người kết án giới trí thức đã sử dụng một phạm trù mà họ không hiểu (xin hãy hỏi họ trí thức là gì – nhất định họ sẽ bị lúng túng trong việc trả lời). Họ đã bỏ qua một sự kiện quan trọng nhất: Ở nước Nga, trong thế kỷ XX đã hình thành một tầng lớp xã hội, được coi là trí thức, nhưng trên thực tế lại không phải là như thế. Chính các đại diện của tầng lớp này, chứ không phải giới trí thức, đã đóng vai trò chủ yếu trong những cuộc cải cách đầy tai hoạ hồi những năm 80 và những năm 90 của thế kỷ vừa qua. Đấy là tầng lớp trí thức nửa mùa. Dĩ nhiên là sau khi đã đưa ra định nghĩa, tác giả phải minh giải nó.
Theo tôi tầng lớp trí thức nửa mùa được hình thành từ một kiểu người đặc biệt và tương đối phổ biến. Trước hết đấy là người có học, có văn hóa, lại thường giữ chức vụ chứng tỏ những phẩm chất đó của anh ta. Nhưng nếu tiếp xúc lâu ta sẽ thấy: trình độ học vấn, kiến thức của anh ta không nhiều, nhu cầu văn hóa cũng thiếu hụt. Thực chất, dù có mang một vẻ hào nhoáng trí thức bên ngoài thì đấy cũng chỉ là một “kẻ thất phu” mà thôi.
Vâng, như một người trí thức, dĩ nhiên là anh ta quan tâm đến công việc xã hội. Tầm hiểu biết của anh ta dường như cũng vượt ra khỏi các nhu cầu và tính toán cá nhân nữa. Thế gọi là tầm hiểu biết! Thế gọi là có quan điểm về những chuyện đang xảy ra xung quanh! Thường là chỉ ở mức tán nhảm của mấy gã chợ trời mà thôi. Không cao hơn cũng không sâu hơn một tí nào.
Một đặc điểm nữa – cũng là đặc điểm phân biệt anh ta với người trí thức chân chính – hoàn toàn không biết tư duy độc lập về các đề tài xã hội. Không, tư tưởng thì có thể có trong đầu, nhiều nữa là đằng khác, nhưng tất cả đều không phải của mình, tất cả đều là học mót được. Thái độ thuần phục giữ vai trò chủ đạo trong giới trí thức nửa mùa, đấy là quan điểm thịnh hành chung cho cả giai tầng này. Họ theo nó một cách tự tin vì những người này không thể tự nghĩ ra được quan điểm nào khác để thay thế cho nó. Tạo ra thái độ thuần phục là một việc đơn giản. Giới trí thức nửa mùa có đặc điểm là bao giờ cũng phải có thần tượng, những người có uy tín, những nhân vật để mà tôn sùng. Trong nước Nga xã hội chủ nghĩa thời gian qua, khi mà giới trí thức nửa mùa hình thành và phát triển, thì thần tượng của họ thường là những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và văn học – những người tích cực về mặt xã hội, có tinh thần phê phán-tranh luận về các vấn đề xã hội. Giới trí thức nửa mùa lĩnh hội quan điểm về hiện thực xung quanh từ những người như thế.
Một đặc điểm nữa của giới trí thức nửa mùa: thái độ hung hăng khi bàn về các vấn đề xã hội. Giới trí thức nửa mùa cho rằng mình là giai tầng đứng trên “quần chúng” và nói chung là đứng trên tất cả mọi thứ khác nữa. Giai tầng này có thói kiêu ngạo tập thể đặc thù và rất mạnh. Từ lâu họ đã tin tưởng rằng chỉ cần giao cho họ – giao cho những người đại diện của họ – quyền lực là mọi tai hoạ của đất nước sẽ được giải quyết ngay lập tức. Chứ còn gì nữa: họ chẳng phải là người truyền bá kiến thức đấy ư? Chẳng phải là những người có học nhất và thông minh nhất đang đứng trong đội ngũ của họ đấy ư?
Xin ghi nhận một tính chất nữa của giới trí thức nửa mùa: không chịu “tu thân”, đấy là nói theo cách ngày xưa. Không chịu đọc bất cứ một cái gì nghiêm túc, không chịu suy nghĩ một cách rốt ráo về bất cứ đề tài nào. Thường thì công việc tư duy độc lập được thay thế bằng việc nghe lỏm ý kiến và đánh giá của các nhân vật có uy tín và tuân theo một cách vô điều kiện. Có lẽ, ít nhất là một phần, sự lười biếng và thụ động về trí tuệ như thế là do giới trí thức nửa mùa thực sự tin rằng mình đã là trung tâm của kiến thức rồi. Nếu không cần cố gắng mà vẫn là trung tâm thì cố gắng để làm gì?
Cuối cùng, trí thức nửa mùa còn có đặc điểm nữa là tự ái về chính trị, một đặc điểm đương nhiên một khi người ta đã đánh giá mình cao đến như thế. Hóa ra là thế này: chúng tôi biết hết, chúng tôi có thể làm được tất – thế mà chúng tôi bị gạt ra khỏi quyền lực, ở đó chỉ toàn các “quan chức”, “toàn bọn quan liêu ngu dốt”, “tư duy hạn chế”. Đánh giá thấp về người khác và đánh giá quá cao về chính mình đã tạo ra thái độ tự ái về chính trị như một tâm trạng bền vững “nội tại” của giai tầng này. Đau đớn và phẫn nộ là thái độ thường trực của giai tầng đó.
Như vậy là trí thức nửa mùa chỉ là một kẻ giả danh trí thức. Hắn dùng bằng cấp, chức vụ và phô trương thái độ quan tâm đối với các vấn đề xã hội để đóng giả. Hắn đóng giả cả cách giải trí, cả thói đam mê mang tính phô trương về tất cả những gì gọi là “văn hóa” nữa. Đây hóa ra là chỗ dễ phân biệt trí thức nửa mùa nhất.
Thí dụ như trí thức nửa mùa lũ lượt đi nghe hòa nhạc trong nhạc viện. Đương nhiên là họ đặc biệt thèm khát được có mặt tại những buổi biểu diễn được mọi người chờ đợi – hiện diện tại những buổi biểu diễn của những diễn viên ngoại quốc hay nhạc sĩ tài danh. Nhưng sẽ thật thú vị nếu quan sát thái độ của đám trí thức nửa mùa này suốt buổi hòa nhạc đó. Họ cảm thấy cực kỳ chán nản! Đâu đâu cũng chỉ thấy những bộ mặt vô cảm, những ánh mắt đảo khắp khán phòng. Nhưng sau khi kết thúc thì đám đó lại nhiệt liệt vỗ tay, tỏ vẻ ngưỡng mộ, tôn kính diễn viên (nhạc sĩ). Có thể thấy bức tranh tương tự như thế trong một buổi triển lãm nghệ thuật có uy tín nào đó. Xếp hàng thì chen nhau, trong phòng thì uể oải, còn khi kết thúc thì lại tỏ ra ngưỡng mộ.
Xin đưa ra một phác thảo nữa – về khát vọng (giả tạo) của giới trí thức nửa mùa trong việc tìm hiểu hiện tình, nhu cầu và đặc điểm của đất nước. Nói rằng đấy là việc quan trọng thì trí thức nửa mùa lúc nào cũng sẵn sàng. Nhưng làm việc một cách nghiêm túc thì lại là chuyện hoàn toàn khác. Thí dụ: cuối những năm 1980 có quyết định in toàn tập tác phẩm của V. Kliuchevski[1] và S. Solovjov[2], hai nhà sử học lớn nhất của nước Nga trước cách mạng. Lạy Chúa tôi, tầng lớp trí thức nửa mùa đã bị kích động đến mức nào! Họ đã tỏ ra hân hoan, tuy có hơi sớm, đối với các tác giả, đặc biệt là đối với Kliuchevski, đến mức nào. Vì họ đã nghe nói ở đâu đó: đây là một nhà tư tưởng đặc biệt, một người hiểu rõ quá khứ của nước Nga. Thế là giới trí thức nửa mùa tìm mọi cách đăng kí mua. Mua bán trao tay, còn bọn đầu cơ thì hét giá đến 300 thậm chí 400 rub, một khoản tiền lớn thời đó. Mua được – rồi sao? Trong hàng chục người đã đăng kí mua (tất cả đều là những trí thức cả về học vấn lẫn địa vị, một số còn là những nhà hoạt động văn hóa nữa) tôi chưa thấy một người nào đọc! Chưa một người nào! Mua về, đặt lên chỗ dễ thấy nhất – cho mọi người nhìn – thế là hết. Họ hết sức tự hào vì đã mua được những trước tác vĩ đại như thế. Lịch sử thì họ đã và vẫn đọc, nhưng không phải là thứ “nặng” như thế, chỉ là những cuốn sách phổ thông mà thôi.
Độc giả có thể thắc mắc: đấy có phải là một giai tầng không? Có phải là một lực lượng chính trị, lực lượng xã hội không? Có thể đấy chỉ đơn giản là những người có học vấn trung bình mà ở đâu, đất nước nào, xã hội nào chả có? Đúng thế, ở đâu cũng có. Nhưng ở nước ta từ nửa sau thế kỷ XX họ đã tạo thành một lực lượng chính trị, lực lượng xã hội. Họ không còn là những cá nhân trôi nổi trong xã hội nữa. Tại sao?
Thứ nhất, họ đông đảo đến mức đáng kinh ngạc. Lý do, theo tôi, là sự vội vã trong việc đào tạo hàng loạt, cụ thể là việc phát triển một cách ồ ạt, mang tính bề nổi các trường đại học – chuyên tu, tại chức, v.v…; mà ngay chính quy hóa ra cũng “chưa đủ tầm”. Rất nhiều người có bằng đại học, mà cùng với bằng cấp là quyền được tự coi là trí thức. Nhưng trên thực tế đấy chỉ là “nửa vời”. Thứ hai, điều này cũng không kém phần quan trọng, như đã nói bên trên, giai tầng này có thói kiêu ngạo chính trị: “Nếu có quyền chúng tôi có thể làm được hết”. Nguyên nhân của thái độ như thế không phải là điều bí mật. Một mặt, đấy là thái độ bất bình với môi trường sống đang ngày càng gia tăng trong toàn xã hội. Mặt khác, đấy là nhận thức cho rằng mình (do đông người và những quan niệm hời hợt) là một lực lượng mà “không có việc gì là khó” cả. Chỉ có những kẻ có suy nghĩ hời hợt mới có thái độ tự tin như thế vì họ quan niệm tất cả mọi thứ trên đời đều đơn giản. Kết quả là đám đông trí thức nửa mùa càng ngày càng trở thành giai tầng sẵn sàng tham gia hoạt động chính trị. Mà lại dựa vào cương lĩnh về những cuộc cải tổ và cải cách nhanh chóng nhất. Các giai tầng khác cũng tỏ ra bất mãn với nhiều vấn đề, nhưng không có thái độ kiêu ngạo chính trị như thế. Họ không hoạt động, họ chỉ bực bội và phàn nàn mà thôi. (Nếu ai còn nhớ thì đấy là bức tranh điển hình hồi những năm 1970-1980). Trí thức nửa mùa càng ngày càng khao khát lao vào trận chiến.
Khát khao hành động thì đã có, nhưng tai hoạ là ở chỗ họ chưa sẵn sàng hành động và hoàn toàn không biết cần phải làm gì. Tình hình càng trầm trọng thêm bởi niềm tin mù quáng của giới trí thức rằng họ biết rõ cần phải “làm gì”, kể cả với hoàn cảnh, chỉ cần tạo điều kiện cho họ là mọi việc sẽ xong ngay tắp lự. Do đó mà trong khoảng giao thời những năm 1980-1990 trong tâm trạng xã hội, bên cạnh tâm lý bất mãn chung đối với cuộc sống lại xuất hiện một xu hướng tự tin rất mạnh mẽ rằng dường như mọi việc đều cực kỳ đơn giản, có thể chấn chỉnh và sửa chữa một cách dễ dàng. Niềm tin này chính là dấu hiệu để phân biệt trí thức nửa mùa và cũng là ngọn cờ chiến đấu của họ.
Giới trí thức chân chính – những người lao động trí óc nghiêm túc, có nhiều kiến thức và có thói quen suy nghĩ độc lập – hoàn toàn xa lạ với thái độ ngang tàng như thế đối với các vấn đề phức tạp và quan trọng. Nhận thức được rằng mọi việc đều phức tạp và thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng là việc khó khăn, giới trí thức cảm thấy lo lắng và lúng túng. Nhưng trí thức nửa mùa thì, xin nhắc lại, lao vào chiến đấu.
Giai đoạn “cải tổ” ban đầu đã trở thành chất xúc tác cho các hoạt động chính trị và cải cách của giới trí thức nửa mùa. Đất nước đang cần những thay đổi to lớn và nhanh chóng, đặc biệt là về kinh tế. M. Gorbachev, sau khi nhận thức được rằng những biện pháp thận trọng ban đầu sẽ không đem lại hiệu quả, buộc phải hướng về giới trí thức nửa mùa, phải dùng những kẻ đang khát khao những thay đổi như thế, mà cụ thể là những người làm việc trong lĩnh vực khoa học kinh tế và khoa học xã hội. Tôi không muốn nói rằng chỉ có những trí thức nửa mùa đóng vai trò cố vấn và “nói leo”, nhưng phần lớn là những người như thế. Nhưng Gorbachev đã nhanh chóng bị rát mặt vì những lời cố vấn của họ. Là một người nhanh trí, ông lập tức nhận ra rằng những lời gợi ý và khuyến nghị của họ thường chỉ có tính cách nghiệp dư và chẳng mang lại kết quả gì, đằng sau cái vẻ khoa học và hiểu biết mang tính trang trí của các cố vấn thì tất cả những khuyến nghị đó chẳng có giá trị gì hết.
Xin ghi lại một hồi ức về thời đó. Lúc đó Gorbachev rất tin tưởng vào những khuyến nghị về kinh tế của Viện Kinh tế và Giám đốc Viện là viện sĩ L. Abalkin – một chuyên gia rất sâu sắc và có uy tín. Một lần Albalkin đến Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế và cay đắng nói rằng Tổng bí thư giao cho ông lập tại Viện một nhóm các nhà kinh tế gia tài năng để tạo thành “túi khôn” cho cải tổ, nhưng sau khi đã lùng khắp cả nước ông vẫn không tìm được ai: “Tất cả đều là các cán bộ tuyên truyền và những người tố cáo chủ nghĩa đế quốc, còn công việc thì chẳng có ai hiểu gì”. Dĩ nhiên đấy là câu chuyện về giới trí thức nửa mùa trong lĩnh vực kinh tế học.
Gorbachev đã quay lưng lại với những trí thức bất tài. Kinh nghiệm đã thu thập được là lý do ông có thái độ coi thường đối với tác phẩm của nhóm G. Iavlinski và kết quả của nó, tức là kế hoạch “năm trăm ngày”, liên quan đến giai đoạn cải tổ kinh tế ban đầu. Lúc đó Gorbachev đã nhận thức được rằng ông đang có quan hệ với những người như thế nào. Nhưng trong lĩnh vực những cuộc cải cách kinh tế đã chín muồi ông chẳng còn biết đi theo hướng nào nữa. Ông kiên quyết từ bỏ các cố vấn thận trọng trong các cơ cấu quản lý, theo ông thì đấy là những kẻ chẳng được tích sự gì. Các trí thức hóa ra cũng là những người bất lực nốt. Trong nhiệm kỳ thứ hai ông quyết định dành nhiều công sức hơn cho lĩnh vực đối ngoại, cố gắng dùng thành tích trong lĩnh vực này nhằm trám lại những lỗ hổng uy tín quá lớn trong lĩnh vực kinh tế.
Tâm trạng của giới trí thức nửa vời – không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn rộng hơn – trong giai đoạn này thì như thế nào? Có thể họ đã ngộ ra rằng chính sách cải cách không phải là một việc đơn giản? Rằng họ không có kiến thức về hiện tình của đất nước? Rằng cần phải suy nghĩ một một cách nghiêm túc và sâu sắc, phải tìm kiếm, biến mình thành những người nghiên cứu xã hội? Không có gì như thế cả. Giới trí thức nửa mùa đã không còn là nửa mùa nếu họ có khả năng làm như thế. Tự phân tích không phải công việc phù hợp với họ. Họ có những phản ứng hoàn toàn khác – đơn giản, cứng nhắc và rất kiên quyết nữa. Đấy cũng là đặc trưng của hệ thống tư duy của cả giai tầng này. Trí thức nửa mùa bắt đầu thuyết phục dư luận xã hội rằng tất cả là do lỗi của Gorbachev, rằng những lời cố vấn mà họ đưa ra hoàn toàn chẳng có vai trò gì. Và cả giai tầng này lập tức quay lưng lại với Gorbachev. Sau đó, cũng lại vẫn theo tinh thần của trí thức nửa mùa; họ lao ngay lên một nấc thang cấp tiến mới. Từ quan niệm đơn giản về cải cách và sự kiên quyết của mình, họ đòi: cần phải đập tan “toàn bộ hệ thống”. Chỉ có thế mới ăn thua. Họ lại cảm thấy mọi thứ cực kỳ đơn giản – chỉ cần kiên quyết hơn, “phá đến tận gốc” là xong.
Đúng lúc đó trên sân khấu chính trị xuất hiện thêm một người còn đóng vai trò xúc tác mạnh mẽ hơn đối với năng lực chính trị và cải cách của giới trí thức nửa mùa, đấy là B. Yelsin. Sau những lời khẩn cầu về việc “minh oan về mặt chính trị” bất thành tại Hội nghị Đảng lần thứ XIX (1988), ông ta, một người đã hoàn toàn li khai với Đảng và hệ thống cũ, cần những cuộc cải cách theo xu hướng đập tan tất cả ngay lập tức. Tôi nghĩ đấy là do không chỉ vì ông ta tin rằng hệ thống cũ và Đảng không có khả năng giải quyết được những vấn đề của đất nước (những vấn đề quả là to lớn và đã tích tụ trong hàng chục năm hoạt động của hệ thống và Đảng) mà còn vì sau khi đoạn tuyệt, hệ thống và Đảng đã trở thành kẻ thù nguy hiểm của ông ta. Vì những tổ chức đó có thể phản kích, muốn cho Yeltsin sống sót về mặt chính trị thì cả Đảng lẫn hệ thống đều phải bị đập tan.
Ai có thể soạn thảo và thực hiện một kế hoạch như thế? Chỉ có một lực lượng duy nhất, đấy là giới trí thức nửa mùa, sau giai đoạn kết hợp ngắn ngủi với Gorbachev, đã trở thành cấp tiến hơn. Việc phá huỷ toàn bộ đất nước hoàn toàn phù hợp với trình độ tri thức và quan điểm của họ. Họ không nghi ngờ gì – cũng như khi cố vấn cho Gorbachev – rằng mọi việc sẽ kết thúc một cách tốt đẹp nhất. Tầm hiểu biết không cho phép họ nghi ngờ.
Xin nhớ lại không khí cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Trí thức nửa mùa giành được quyền lực một cách cực kỳ nhanh chóng, họ nắm trong tay nhiều toà báo, nhiều kênh truyền hình, đài phát thanh. Họ – đấy là nói về Moskva – thường xuyên tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình, đưa một loạt diễn giả bốc lửa và cuối cùng đã làm chủ được công luận. Không khí thật là phấn khởi và tự tin: nếu chúng ta đập tan được “chế độ toàn trị” thì trong cái mũ này sẽ có những gì? Chỉ cần thực hiện xong những cuộc cải cách mang tính khai phóng – trong kinh tế và chính trị – thì sẽ có gấp đôi, đúng không? Chỉ có sự ngu dốt một cách cùng cực và con đẻ của nó là sự đơn giản hóa tối đa mới có thể dẫn đến thái độ lạc quan vô căn cứ như thế mà thôi. Mà đây chính là dấu hiệu cha truyền con nối của trí thức nửa mùa. Họ tỏ ra hân hoan và đưa ra những lời tiên tri, họ cố gắng làm cho người khác cũng nhiễm những hy vọng thiếu căn cứ, cứ như là ngay ngày mai chúng ta sẽ sống như ở Mĩ hay ít nhất thì cũng như Thụy Điển vậy. Chính họ chứ không phải tầng lớp hay nhóm xã hội nào khác. Còn đa số dân chúng thì tỏ ra thận trọng, lo lắng.
Dưới trào Yeltsin (đặc biệt là giai đoạn đầu) trí thức nửa mùa phát triển hết cỡ. Có một quy luật với rất ít ngoại lệ: ý định cải cách càng vĩ đại thì càng có nhiều người tự tin và ít hiểu biết sẵn sàng thực hiện nó. Công việc như thế thường làm cho những người nghiêm túc, có suy nghĩ tỏ ra thận trọng, chứ không hấp dẫn được họ. Thậm chí đơn giản là làm cho họ sợ nữa.
Đấy chính là điều đã xảy ra ở nước Nga vào đầu những năm 1990. Cái nhóm tiến hành công việc cải cách ấy gồm những ai? Cho đến nay, người ta đã viết hàng núi sách khác nhau đủ loại về nhóm người này. Nhưng dù sao giữa hàng loạt đặc điểm được nêu ra vẫn có một sự tương đồng. Đấy chính là những đặc điểm của giới trí thức nửa mùa. Thứ nhất, tất cả mọi người đều ghi nhận sự tự tin vô tiền khoáng hậu của nhóm những nhà cải cách-cấp tiến vào sức mạnh và khả năng của mình. Nói chung, dĩ nhiên đấy không phải là một phẩm chất xấu, nhưng khi chủ nhân của nó bắt tay cải tạo một đất nước cực kỳ to lớn và cực kỳ phức tạp thì nó đã trở thành chỉ dấu của sự kém hiểu biết, thiếu kinh nghiệm, thiếu suy nghĩ, đầy nguy hiểm và thật đáng sợ. Thứ hai, chả lẽ sự tự tin mà vốn hiểu biết lại cực kỳ nghèo nàn không phải là đặc trưng thường gặp ở giới trí thức nửa mùa hay sao? Thực ra đây là những thanh niên, những người mới hôm qua còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, kinh nghiệm sống, chưa nói kiến thức chuyên môn, chẳng có bao nhiêu. Thứ ba, tốc độ và sự quyết liệt của các cuộc cải cách cũng chứng tỏ rằng đấy là những người kém hiểu biết, nếu hiểu biết họ đã không làm như thế.
Đúng là trong số những nhà cải cách cấp tiến có những người “không còn trẻ”. Nhưng thật ra không nhiều. Sẽ lầm to khi cho rằng trí thức nửa vời không tìm cách luồn lách để trở thành tiến sĩ, giáo sư, viện sĩ, v.v… Tác giả những dòng này, người đã làm trong lĩnh vực khoa học xã hội trong một thời gian dài, rất thường được nhìn thấy “những kẻ hay chữ lỏng” tự tin với các học hàm học vị cao nhất. Mà tất cả những người có dính líu đến lĩnh vực này đều nhìn thấy – chỗ nào chả có mặt họ.
Trong quan hệ của mình với đám người này, dĩ nhiên là Yeltsin đã lặp lại đúng con đường của Gorbachev. Ông đã nhanh chóng nhận ra bản chất của những nhà cải cách qúa tự tin. Ông cũng quay lưng với họ sau khi giải tán chính phủ Gaidar và thay bằng chính phủ của Trenomyrdyn. Không thể không nhớ lại làn sóng giận dữ và bất bình nhân sự kiện này trong phe hữu, nơi tập trung nhóm trí thức nửa mùa quyết liệt nhất. Trong hàng trăm bài báo, bài bình luận trên truyền hình và những bài phát biểu khác, những người cánh hữu kêu ầm lên về cái sự gần như là phản bội của Yeltsin đối với sự nghiệp cải cách. Tác giả những dòng này hoàn toàn không phải là người ủng hộ và sùng bái Yeltin, ngược lại là khác. Nhưng tôi không tán thành những lời kết án được những người cánh hữu coi là chuẩn mực, coi là có giá trị như một tiền đề lịch sử.
Sau khi thấy kết quả đầy tai hoạ của “liệu pháp sốc”, Yeltsin còn biết làm gì ngoài việc quay lưng lại với những nhà cải cách-cấp tiến? Bởi vì khởi kỳ thủy các nhà cải cách này đã vẽ ra viễn tượng cực kỳ xán lạn. Sau khi khởi động cuộc cải cách, Gaidar dự đoán rằng sẽ có một giai đoạn suy giảm sản xuất, giá sẽ tăng không đáng kể – từ 70 đến 200% – còn sau đó tình hình sẽ nhanh chóng ổn định và kinh tế sẽ phát triển. Kết quả? Tất cả những gì có thể đổ vỡ đều đã đổ vỡ hết. Giá cả gia tăng không phải từng đó mà là hàng ngàn lần! Sản xuất lâm vào tình trạng phá sản. Thất nghiệp cao khủng khiếp. Cả Chiến tranh thế giới I lẫn Chiến tranh thế giới II đều không đưa được nước Nga vào tình trạng khủng hoảng như những cuộc cải cách đó! Cần phải đặt câu hỏi: chính khách nào còn tin vào những kẻ đã gây ra thảm hoạ như thế? Trên thế giới này không có một kẻ nào điên đến mức như vậy.
Xin nói thêm vài lời nữa. Tác giả vẫn còn nhớ bài phát biểu đầy tức giận của Gaidar trên vô tuyến sau khi ông ta bị Yeltsin bãi nhiệm. Lúc đó ông ta đã cay đắng nhận xét rằng trong tình hình tuyệt vọng người ta mới cần đến ông, còn khi đã ổn định thì cho ra rìa (tôi nhớ chính xác ý của bài phát biểu là như thế). Đấy là gì: không muốn nhìn thẳng vào sự thật? Cố gắng cứu vớt uy tín? Hay là mánh khoé nữa của một chính khách đang tự cứu mình?
Có thể. Nhưng tôi cho rằng, đặc biệt là dưới ánh sáng của đề tài đang được thảo luận, ở đây có một cái gì đó hoàn toàn khác và nghiêm túc hơn nhiều. Đây lại là thêm một biểu hiện nữa của sự vô năng cố hữu của giới trí thức nửa mùa trong việc tự phân tích với tinh thần phê phán. Sự vô năng là do kiến thức nửa vời và góc nhìn hạn hẹp. Như ta thấy, Gaidar đã thực sự tin (và hiện vẫn còn tin) rằng ông ta và những người cùng hội cùng thuyền với mình đã làm đúng. Còn kết quả không được như ý là do bị người ta cản trở. Trong đó có cả vị Tổng thống “đã quay lưng” lại với họ. Một sự kiện đáng ghi nhận: sau đó một loạt các nhà cải cách-cấp tiến đã hứa với công luận rằng sẽ phân tích sai lầm của chính mình. Cố gắng đầy tai tiếng trong việc xuất bản một tác phẩm viết về các cuộc cải cách, năm vị “sư phụ cải cách” nổi danh nhất đứng đầu là Trubais đã nhận được một khoản nhuận bút cao chưa từng thấy từ một đại gia, cuốn sách có trách nhiệm rọi “luồng ánh sáng” của tư duy phê phán như đã hứa hẹn vào những gì họ đã làm.
Nhưng không thấy “luồng ánh sáng” nào cả. Vì sao? Vì biết bao nhiêu lời chỉ trích đã được nói lên từ tất cả mọi phía rồi! Dù là chỉ để tách gạo ra khỏi trấu (theo như những nhà cải cách-cấp tiến quan niệm) thì đáng ra người ta phải làm cái việc tự phân tích và xem xét những sai lầm từ lâu rồi. Tất cả các lực lượng chính trị đều sử dụng những biện pháp như thế.
Tác giả cho rằng mình biết cách giải thích điều bí ẩn này. Vấn đề hoàn toàn có thể là các nhà cải cách-cấp tiến thực sự không nhận ra rằng họ đã làm không đúng. Với kiểu người của họ, với sự hỗn hợp giữa thái độ tự tin và thiếu kiến thức như thế, đơn giản là họ không thể nhận ra điều đó. Còn khi hứa xem xét những sai lầm của chính mình là họ cố tình đánh lừa, cố tình tạo ra hình ảnh một lực lượng chính trị nghiêm túc và có trách nhiệm, có khả năng tư duy lại quá khứ và như vậy là nhằm nâng cao hiệu quả chính sách của mình trong tương lai.
Tác giả nhắm đến ba mục tiêu khi viết bài báo này. Thứ nhất, mục đích chung nhất là góp phần làm sáng tỏ sự kiện là phân bố lực lượng chính trị-xã hội mà chúng ta đã quen trong hàng chục năm, trong giai đoạn tiếp nối đầy tai ương giữa những năm 1980-1990 đã và vẫn không hoàn toàn là cách phân bố mà theo thói quen ta từng tưởng tượng. Tầng lớp trí thức mà ta tưởng là một tác nhân mạnh mẽ cho những biến đổi xã hội trên thực tế đã không phải là như thế. Nhân danh nó, giới trí thức nửa mùa, giống trí thức thực sự ở cái mẽ bên ngoài, đã nhảy lên sân khấu. Trên thực tế, đây là lực lượng cực kỳ thiển cận về mặt chính trị, họ sẵn sàng ra tay không phải vì hiểu được thực tế mà là do tự đánh giá mình quá cao.
Nhân chuyện này tôi muốn quay lại với định nghĩa về giới trí thức. Người ta nói nhiều đến định nghĩa này đúng vào lúc giới trí thức nửa mùa bắt đầu ngoi lên. Giới trí thức nửa mùa đã đưa cuộc thảo luận đến kết luận rằng trí thức là người thiết tha với quyền lợi xã hội, chứ không phải quyền lợi cá nhân hạn hẹp, và tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh xã hội. Cách nhấn giọng như thế là có thể hiểu được. Nó ngầm kêu gọi ủng hộ giới trí thức nửa mùa vùng lên chống lại hệ thống, tiến hành đập tan hệ thống. Nhưng xin suy nghĩ thêm về định nghĩa này. “Thiết tha với quyền lợi xã hội” có phải là người trí thức không? Thế thì Hitler cũng được coi là người trí thức: hắn chả “thiết tha” đấy ư! Không, “thiết tha” không thể là tiêu chí được, tiêu chí phải là phẩm chất của cách tiếp cận với các vấn đề xã hội. Kiểu người, phương pháp tư duy, tính nghiêm túc, chiều sâu, trách nhiệm trước các hành động (nó còn là tính đạo đức nữa), kiến thức rộng do lao động miệt mài mà có. Và có thể không phải là vô tình mà người trí thức, tầng lớp trí thức lúc đó đã không được giải thích theo cách đó. Tác giả hoàn toàn không nhớ một trường hợp nào như thế. Nếu có thì giới trí thức nửa mùa đã lập tức bị đẩy ra khỏi tầng lớp trí thức, một giai tầng có uy tín của xã hội, ngay từ lúc đó.
Trí thức nửa mùa mang danh trí thức là một hiện tượng cực kỳ nguy hiểm, chứa đầy tai ương. Khi họ làm những công việc bình thường thì tai hoạ không phải là lớn (mặc dù dĩ nhiên là vẫn có: kém hiểu biết bao giờ cũng kéo theo hậu quả tiêu cực). Nhưng khi trí thức nửa mùa bắt tay vào làm việc lớn (đúng hơn là kiên quyết giành lấy vì thái độ tự tin của mình) thì tai hoạ là không thể tránh khỏi.
Mục đích thứ hai – góp phần, trong chừng mực có thể (tác giả không có chút ảo tưởng nào về khả năng này), để giới trí thức nửa mùa không thể tạo ra được ảnh hưởng trong lĩnh vực chính trị như trước đây được nữa. Mười năm vừa qua đã làm giới này rúng động một cách mãnh liệt nhất, nó đã yếu đi nhiều, đa phần đã “tan đàn sẻ nghé”, chuyển sang những mối bận tâm khác và sử dụng những khả năng khác. Nhưng không được đánh giá thấp “khả năng quay về” đỉnh cao quyền lực chính trị của giới trí thức nửa mùa. Dù chỉ là vì một nhóm, sau khi đã leo lên hồi cuối những năm 1980 – đầu những năm 1990 đang tìm mọi cách bám trụ, đã trở thành xu hướng hữu và cực hữu. Dĩ nhiên là trí thức nửa mùa đang và sẽ còn cố gắng thôi miên xã hội rằng họ biết cách giải quyết tất cả mọi vấn đề. Họ đang nói và còn tiếp tục nói một cách tự tin và xấc xược (hơn nữa, xin nhắc lại, chính họ – đúng hơn là nhiều người trong số họ – tin vào khả năng và sự đúng đắn của mình). Chỉ cần một phần dân chúng tin họ thì đấy sẽ là bi kịch không thể nào sửa chữa được. Nhưng nếu cuối cùng điều đó vẫn xảy ra thì rõ ràng số kiếp của chúng ta đáng phải như thế. Một xã hội, sau khi đã trải qua những thử thách khốc liệt nhất, không rút ra được bài học thì đừng hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.
Mục đích thứ ba – bảo vệ giới trí thức chân chính. Giúp rửa vết nhục trách nhiệm về những điều đã xảy ra với Tổ quốc ta trong quá khứ. Tầng lớp này, đáng tiếc còn quá ít, nhất là trên nền của giới trí thức nửa mùa, đã và tiếp tục làm những công việc quan trọng sống còn của đất nước. Bất cứ ở đâu, khi đem áp dụng kiến thức, sự nhẫn nại và cố gắng, họ cũng đều đạt đến nhận thức khách quan, đến nguyên nhân thật sự của tất cả các tiến trình và hiện tượng. Thật đáng tiếc là trong sự nghiệp cải cách, giới trí thức chân chính của chúng ta đã gần như bị giới trí thức nửa mùa say máu đỏ đen và xấc láo đẩy ra ngoài. Rất muốn tin rằng giới trí thức chân chính một lần nữa sẽ quay trở về với vai trò lịch sử của mình./.
Nguồn: Tư tưởng tự do thế kỷ XXI, số 10, năm 2002, trang 27.
Đã đăng trong tập tiểu luận Về trí thức Nga, Nhà xuất bản trí thức, Hà Nội, 2009.
________________
Chú thích:
[1] Kliuchevski V. O. (1841-1911), nhà sử học nổi tiếng người Nga.
[2] Solovjov S. M (1820-1879), nhà sử học người Nga, Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Moskva từ năm 1871 đến năm 1877.
================

10.Trí thức tức là người có học (?!)

(Dân trí) -Những ai hèn nhát, bàng quan trước vận mệnh dân tộc, thờ ơ với số phận đồng bào, vô cảm trước bất công oan ức, quay lưng lại với nỗi đau của cộng đồng thì dù có bằng cấp cao đến đâu, thành tựu lớn đến đâu cũng chỉ là kẻ vô học.
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Dư luận gần đây rộ lên câu hỏi: Trí thức là gì? hay nói cách khác, người như thế nào thì được coi là thuộc tầng lớp trí thức? Nhất là từ khi GS Ngô Bảo Châu trả lời báo chí “Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc” thì câu hỏi này lại càng được quan tâm.

Theo Từ điển Tiếng Việt của GS Nguyễn Lân, “trí thức” là người lao động trí óc (trí là hiểu biết, thức là biết). GS. Nguyễn Huệ Chi cho rằng “Đã là trí thức thì phải là người có tầm, có trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội”. Theo TS Giản Tư Trung: “Trí thức là những người có sự hiểu biết và biết thức tỉnh xã hội”. GS. Cao Huy Thuần cũng có ý kiến tương tự: “Người trí thức là người không để cho xã hội ngủ”.  GS. Nguyễn Văn Tuấn thì cho rằng trí thức thật là những người “Đau đáu với vận mệnh đất nước quê hương và sẵn sàng dấn thân…”

Nhớ lại cách đây 3 năm, trong loạt bài Nho sĩ thời nay có vơi đi khí phách? mình đã đặt câu hỏi này với một số chính khách, nhà khoa học, nhà báo như Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, GS. Phạm Song,  TS. Chu Hảo và các nhà báo Phan Quang, Hữu Thọ.

Theo Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thì “trí thức phải là người luôn giữ được phẩm tiết”. Nhà báo Phan Quang cũng cho rằng “trí thức đích thực thì không bao giờ hèn”. Nhà báo Hữu Thọ cụ thể hơn khi ông cho rằng là trí thức thì phải có ba đặc điểm: “Một là có học vấn cao (học vấn chứ không phải bằng cấp). Hai, nhân cách phải tiêu biểu, nêu gương tốt cho xã hội. Ba là khí tiết bảo vệ chân lý, lẽ phải. Nếu thiếu một trong ba đặc điểm đó thì dù thế nào chăng nữa cũng không thể gọi là trí thức”. Cố GS. Phạm Song khá quyết liệt: “Không có khí tiết, không là trí thức. Không dám nói lên sự thật, không phải là trí thức. Không trung thực, không phải là trí thức. Không dám bảo vệ chân lý, không phải là trí thức”. TS. Chu Hảo cho rằng “Người được coi (hay tự coi) mình là trí thức, ngoài yêu cầu phải đạt tới một trình độ tri thức nhất định, người đó còn phải là người quan tâm đến những vấn đề chính trị xã hội nóng bỏng và phải có chính kiến trước các vấn đề đó. Đặc biệt, trí thức phải là người có năng lực phê phán và hướng dẫn dư luận”.

Mình thấy mọi người nói đều hay, đều đúng cả. Nhưng với riêng mình, mình nghĩ đơn giản trí thức là người có học. Mà một người có học thì không thể bàng quan trước vận mệnh của dân tộc mình, Tổ quốc mình. Người có học cũng không thể thờ ở trước số phận cộng đồng. Người có học không thể vô cảm trước những bất công, oan ức của nhân dân mình. Người có học không thể quay lưng lại trước nỗi đau của đồng bào mình và đặc biệt, người có học không thể xu phụ cường quyền để cầu danh lợi cho bản thân. Trong mắt mình, những ai bàng quan trước vận mệnh dân tộc, thờ ơ với số phận đồng bào, vô cảm trước bất công oan ức, quay lưng lại với nỗi đau của cộng đồng, xu phụ cường quyền để cầu danh lợi thì dù có bằng cấp cao đến đâu, thành tựu khoa học lớn đến mức nào chăng nữa cũng chỉ là kẻ vô học, nói gì đến trí thức – tầng lớp tinh hoa của một dân tộc.

Bùi Hoàng Tám

Nguồn: http://dantri.com.vn/c702/s702-562516/tri-thuc-tuc-la-nguoi-co-hoc.htm

31 Comments »

  1. […] more: Trí thức là gì? TS Lê Văn Út cập nhật liên […]

  2. 8
    vonga1 Says:

    […] Trí thức là gì? […]

  3. […] suy ngẫm: > Trí thức là gì? > 45 thói ngụy biện ở người Việt > Ăn Tết Việt Nam theo lịch Trung Quốc […]

  4. […] suy ngẫm: > Trí thức là gì? > 45 thói ngụy biện ở người Việt > Ăn Tết Việt Nam theo lịch Trung Quốc […]

  5. 16
    Nguyễn văn Đông Says:

    TẢN MẠN VỀ NBC

    Vai trò, trách nhiệm của trí thức trong phản biện xã hội…là một vấn đề lớn đang thu hút sự quan tâm theo dõi và ý kiến tranh luận của nhiều người. Không phải đến giờ vấn đề này mới được quan tâm nhưng bài trả lời phỏng vấn của Ngô Bảo Châu trên báo Tuổi Trẻ giống như hành động đổ thêm dầu vào lửa làm cho cuộc thảo luận vốn âm ỉ nay lại cháy bùng lên.

    Những người mang danh là học rộng biết nhiều phải chăng đang ngủ yên trong tháp ngà, đang vô cảm, thờ ơ với vận mệnh của dân tộc, với các vấn đề lớn lao của xã hội, của đất nước? Những kẻ thất phu còn biết tự trách mình thì sao những người có học lại có thể ngồi yên? Vai trò của giới trí thức hiện nay quá mờ nhạt. Cũng phải thôi vì đến giờ họ còn chưa tranh cãi xong với nhau trí thức là gì, phản biện xã hội là gì và trí thức có dính dáng gì đến phản biện xã hội hay không.

    Cho dù vô tình hay cố ý, trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ của NBC đã đụng chạm đến vấn đề lớn này. Một cách vô thức, chính NBC đã tham gia…phản biện xã hội về vai trò của trí thức với phản biện xã hội. Ý kiến của NBC còn là một cú châm ngòi cho một cuộc thức tỉnh, một cuộc đi tìm câu trả lời của giới trí thức về vai trò và trách nhiệm của người trí thức đối với xã hội, với đất nước. Chúng ta cần phải cảm ơn NBC ở những khía cạnh này.

    Từ chỗ chỉ quan tâm đến bổ đề và toán học, NBC đang mở rộng sự quan tâm của mình sang nhiều vấn đề khác nhau của xã hội. Đến một lúc nào đó, có thể Châu sẽ nhận thức được đó chính là nhu cầu tự thân của người trí thức. Cũng không biết chừng khi đó, anh lại một lần nữa trả lời phỏng vấn của báo Tuổi trẻ và khi ấy, anh sẽ hăng hái phát biểu và bảo vệ cho mệnh đề “đã là trí thức thì không thể không tham gia phản biện xã hội”!

    Đến đây tôi sực nhớ đến nhân vật Jourdain trong hài kịch Trưởng giả học làm sang của Molière với cuộc “cách mạng về nhận thức” khi nhận ra bấy lâu mình làm văn xuôi mà không hề biết!!!

    Nguyễn văn Đông

  6. 17
    vinh{vt} Says:

    Cháu muốn tiếp theo cái bình luận của mình trước lần trước.

    Cháu đề cập về những thiếu sót trong ý kiến phân hạng Trí thức, nói như vậy để thấy được rằng, một trong những “giả thuyết” đang được nhiều người ở đây sử dụng như một “tiên đề” thì đang có “vấn đề”, nó không phải sai nhưng dĩ nhiên chưa đúng hoàn toàn. Vì thế mọi hệ quả suy ra từ nó (dựa vào nó để kết luận ai là Trí thức hay là ngụy trí thức; hoặc không có cái này, không có cái kia thì không phải là Trí thức) tại thời điểm này và cho đến khi được đông đảo công nhận đều là không logic và không mang tính thuyết phục cao (cháu nói thế là chỉ để đề phòng những người đang ngủ nhưng vẫn nói mớ, a dua suy diễn lung tung thôi) Và vì đang còn là giả thuyết dĩ nhiên nó sẽ tiếp tục được tranh luận ở đâu đó.

    Tuy nhiên sự tranh luận đó ở đây đang có sự bất bình đẳng. Có lẽ, chẳng ai có thể phủ nhận cụm từ “Trí thức” từ khi xuất hiện cho đến nay, dù thay đổi thế nào thì đều được xã hội sử dụng để thể hiện một sự tôn trọng nhất định. Thế nên, trong trường hợp này, khi đề tài tranh luận có tính chất nhạy cảm, nó liên quan tới đánh giá con người, cụ thể là một đặc tính tốt của con người. Không may, nó lại ít nhiều liên quan trực tiếp tới những người KHÔNG đồng tình. Thế là những người KHÔNG đồng tình này khi phản biện, hoặc phát biểu trái chiều lại vô hình chung (cháu nhấn mạnh là vô hình chung) bị những người theo bên ủng hộ ám chỉ cho là những người không tốt, bị cho là “trẻ con”, thậm chí là “idiot”, cay nghiệt nhất là “súc vật”. Như vậy có thể thấy, có một sự bất thường, không bình đẳng trong tranh luận.

    Ở đây xuất hiện yếu tố liên quan tới việc văn hóa tranh luận, có ý kiến là “Biết bao giờ người Việt (ít ra là người Việt có học thức) mới biết tranh luận cho ra hồn”, tuy nhiên cháu nghĩ rằng có trong cuộc tranh luận này, bác đưa ra ý kiến (và nhiều bác khác) ít nhiều cũng đã “phạm quy”. Tranh luận cho ra hồn ngoài việc biết lắng nghe, biết tiếp thu… thì việc tranh luận vẫn cần nhất là thái độ tôn trọng lẫn nhau. Do đó từ ngữ dù có thể đôi khi không thể tránh khỏi sự “đá xoáy” nhưng cần đặc biệt tránh dùng những từ ngữ hoặc ý đồ mang tính “nhục mạ”, “mạt sát” tư cách, nghề nghiệp, đời tư… đối phương. Thế nhưng, việc phân tích nguồn gốc ý nghĩa của chữ “idiot”, rồi trích dẫn câu nói của Aristotle “Kẻ nào không tham gia vào việc công thì phải là súc vật hay thần thánh”. Liệu rằng ở đây không hề có bất kỳ sự “ám thị” một người nào đó là “súc vật” chớ??? Một số ý kiến thì cho bên KHÔNg đồng tình là “trẻ con”, đem nghề nghiệp (“chuyên gia lập trình”) của người khác ra để chỉ trích, châm biếm, dè bĩu… cháu nghĩ nó mang tính xúc phạm hơn là một tranh luận thuần khiết. Những điều này cháu nghĩ là là điều tối kỵ trong tranh luận, đặc biệt là ở nơi có sự tham gia của không ít những người trong giới học thuật. Tranh luận hãy dựa trên tranh luận, đừng mang yếu tố cá nhân, riêng tư (tuổi tác, địa vị, học vấn, nghề nghiệp, gia đình, giới tính, sắc tộc… của bản thân và đối phương) ra để hỗ trợ cho việc tranh luận.

    Liên quan tới vấn đề ngôn ngữ, việc phản đối phân tích mổ xẻ câu chữ mà thay vào đó chỉ tập trung vào tư tưởng chủ đạo của ý kiến, cháu sẽ nhiệt liệt hưởng ứng nếu như ý kiến đó được phát biểu khoa học thuần khiết. Ngược lại, nếu phát biểu mang nhiều từ ngữ “dư thừa”, “mập mờ”, “gây tranh cái” cháu nghĩ cần phải loại bỏ những “râu ria” nhập nhằng để phát biểu đó súc tích, cô đọng. Từ đó, mọi người mới có thể tranh luận một cách cởi mở, thoải mái, theo đúng mong muốn, mục đích của cuộc tranh luận. Đơn cử, như cháu có nói trong một bình luận trước, rõ ràng câu cú trong phát biểu về việc “Có 4 hạng Trí thức…” có quá nhiều vấn đề. Một phát biểu “nhiều sạn” như vậy lại được sử dụng như một tiền đề, sao có thể coi là thuyết phục được. Từ điểm này, đặt ra câu hỏi tại sao không hề có sự phản biện nội bộ nào, thay vào đó là sự đồng tình tuyệt đối và chăm chăm hướng vào việc chống lại ý kiến của người khác? Dù sao đi nữa, xin các bác đừng xem thường ngôn ngữ nếu coi việc tranh luận (không chỉ riêng về đề tài Trí thức mà còn bất kể đề tài nào khác) là nghiêm túc.

    Cháu còn và còn nhiều điều muốn nói và ý kiến, thế nhưng trên tất cả, có một điều cháu nhận thấy, cuộc tranh luận đã diễn ra thay vì một cách nghiêm túc và khoa học, nó bị biến thành một võ đài đấu đá, chĩa súng, dè bĩu, khích bác, bôi nhọ lẫn nhau trước lớp trẻ.

    Cuối cùng, cháu cũng muốn đóng góp thêm một đặc điểm cũng khá quan trọng; nói vui, không khéo giật dây được cả Trí thức, vì Trí thức như từ đầu đến cuối chỉ chăm chăm vào thức tỉnh (bản thân và xã hội), phản biện, dấn thân và… đấu đá nhau; Đặc điểm mà cháu muốn nói đó là khôn ngoan, khéo léo biết cách kêu gọi, thu hút, thuyết phục những người có cùng chí hướng, những người thuộc các giai cấp, tầng lớp khác của xã hội, nhân dân thế giới đứng về phía mình, làm thành một thể thống nhất, cùng nhau đấu tranh vì những giá trị phổ quát. Vâng, cái hay là biết thu hút và trọng dụng nhân tài, biết cách làm đông đảo lực lượng chứ không phải là tạo ra bất mãn, sự quay lưng, chỉ tổ làm suy yếu lực lượng; còn mục tiêu, xin đừng quên là những giá trị phổ quát chứ không phải là đoạt cờ trận giả.

    Cuộc tranh luận dù gì thì đã diễn ra, các bác hẳn sẽ vui vì đánh thức được thêm nhiều người tỉnh ngủ hẳn và những người dù đang ngủ những vẫn nói mớ như đang thức; nhưng sự thật cũng chừng đó người vốn đang thức cảm thấy không muốn thức cùng; còn những người đang ngủ thì sẽ tìm chỗ khác để tiếp tục ngủ. Thế là được hay mất?

    t/b:
    – Tiện đây, cháu muốn có nguồn trích dẫn về câu nói của Aristotle “Kẻ nào không tham gia vào việc công thì phải là súc vật hay thần thánh” và trích dẫn nguồn gốc của từ “Idiot”. Cháu xin cảm ơn rất nhiều.

    – Cháu là người rất quan trọng hóa chuyện ngôn ngữ nên có một điều cháu có ý kiến nho nhỏ thế này, ngoài những từ học thuật, chuyên môn đặc thù ra, thì những từ như information, associate, squeamish… có thể được thay bằng từ ngữ thuần Việt thì có bị thay đổi nghĩa không?

    • 18
      UVL Says:


      Chào bác vinh{vt}:

      Xin cảm ơn bác đã gửi ý kiến.

      Trong entry này, tôi đã ghi rõ “Gần đây có nhiều bàn tán về trí thức là gì? Vai trò của trí thức?, v.v. Tôi nghĩ tôi cần học thêm về vấn đề này. Có mấy bài đáng suy ngẫm nên tôi lưu lại để học hỏi. Đối với những ý kiến chưa được công khai thì tôi đã xin phép và được sự đồng ý của tác giả trước khi post lên đây”

      Điều này cho thấy tôi không tham gia hay chưa đủ trình tranh luận về khái niệm trí thức. Tôi đang học hỏi thôi.

      Về việc góp ý của bác liên quan đến những từ không thuần Việt thì đó là tôi trích nguyên văn của chủ nhân. Tôi không thể sửa theo ý mình được!

      Về chuyên gia lập trình thì tôi không quan tâm gì cá nhân, tôi chỉ trích dẫn bài viết (do người khác gửi cho tôi) và những ý kiến phản hồi (mà tôi cũng trực tiếp nhận được) – mà tôi cho là cô đọng và rất đúng trọng tâm. Bác cũng có thể tranh luận với các bác này, nếu thấy cần thiết. Một mai tôi thấy bác có ý mà tôi có thể học hỏi thì tôi cũng sẽ trích dẫn và ghi rõ nguồn gốc. Tôi nghĩ điều này rất bình thường.

      UVL

  7. 19
    vinh{vt} Says:

    Có 4 hạng trí thức trong xã hội Việt Nam ngày nay:
    – Hạng 1 là những người “trí thức thứ thiệt”, đau đáu với vận mệnh đất nước quê hương và sẵn sàng dấn thân, cho dù họ không được lòng của giới cầm quyền.
    – Hạng 2 là những người cũng quan tâm đến đất nước và dân tộc, cũng bức xúc trước những bất cập của xã hội, nhưng họ không dám dấn thân; Thay vì dấn thân, họ co rút trong cái không gian và môi trường nhỏ bé là gia đình.
    – Hạng 3 là những người không màn đến các vấn đề xã hội dù cũng có chút hiểu biết về chính trị, nhưng họ không lên tiếng, không có hành động, mà thay vào đó là thái độ xu nịnh và lo làm ăn vì quyền lợi kinh tế cá nhân; Họ là những người thiếu lập trường, không có niềm tin, nhưng lại rất hãnh diện về những học vị và học hàm (có thể là dỏm hay mua bán) của họ.
    – Hạng 4 là những người cũng thông minh, nhạy cảm với thời cuộc, và sử dụng thông minh của mình để dèm pha người khác; họ là những con buôn chính trị” – Đào Tiến Thi

    Cháu thích dạng cái đề thi trắc nghiệm kiểu như vầy lắm, không đánh đố. Vì đọc qua là biết đáp án đúng luôn. Ngoài chuyện “Hoàn hảo hóa”, “Tuyệt vời hóa” hạng 1 ra, các hạng còn lại ngoài việc “ăn theo” bằng cách sử dụng từ “cũng”, lại đều thêm vào một số yếu tố “đặc biệt” để dễ dàng loại bỏ.

    Cháu nghĩ giá mà có thêm một lựa chọn là sự kết hợp giữa hạng 2 và hạng 3 thì lựa chọn này mang tính “cạnh tranh” với đáp án đầu tiên hơn. Đại loại như: “Là những người quan tâm đến đất nước và dân tộc, bức xúc trước những bất cập của xã hội nhưng họ chưa thể lên tiếng và chưa có hành động, phản kháng tương xứng với sự bức xúc đấy”. Nói theo khoa học một chút, thì cái tập hợp 4 thứ hạng vừa rồi là “mutually exclusive” nhưng chưa “exhausted”, thế nên cái phân hạng ấy là chưa chính xác lắm.

    Những cái này cháu biết chỉ là tiểu tiết, nhưng cháu xin phép được nói nhiêu đó trước.

  8. […] Trí thức là gì? (levanut.wordpress.com) […]

  9. […] người có sự hiểu biết, có suy nghĩ độc lập và biết thức tỉnh xã hội” (xem thêm) thì Gowers là một trí thức đáng kính của thế […]

  10. 27
    Nguyễn văn Đông Says:

    Theo đúng quy tắc tranh luận có văn hóa, trước khi nhận xét về ý kiến của Ngô bảo Châu, cần làm rõ 2 khái niệm về trí thức và về phản biện xã hội.

    A- KHÁI NIỆM TRÍ THỨC

    Hiện đang có rất nhiều ý kiến bàn luận về khái niệm trí thức và có lẽ cuộc tranh luận còn lâu mới đến hồi ngã ngũ. Theo quan điểm riêng của tôi, khái niệm này có thể được hiểu như sau:

    Trí thức là một danh hiệu thể hiện sự công nhận của xã hội đối với những người hội đủ các điều kiện sau đây:

    1/ có tri thức cao, có hiểu biết sâu rộng về một hay nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội (để đơn giản, dễ nhớ, ta có thể gọi tắt điều kiện này là TRI THỨC)
    2/ có trách nhiệm xã hội cao, quan tâm sâu sắc đến lợi ích chung của cộng đồng, dân tộc, quốc gia hay nhân loại và tự coi việc đóng góp cho lợi ích chung, cho sự tiến bộ và phát triển của xã hội là nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân (TRÁCH NHIỆM)
    3/ có hành động thực tế thể hiện trách nhiệm xã hội bằng việc sử dụng tri thức để nhận biết/ phát hiện những vấn đề có ý nghĩa/tầm ảnh hưởng lớn đến lợi ích chung, đến sự tiến bộ và phát triển của xã hội; đưa ra được biện pháp/cách thức giải quyết vấn đề và tận tâm tận lực theo đuổi đến cùng để thực hiện các giải pháp đó (THỰC HÀNH)
    4/ được xã hội công nhận rộng rãi về những đóng góp (THỪA NHẬN)

    Xét theo 4 tiêu chí trên, có rất ít người được công nhận là trí thức đúng nghĩa. Trí thức đúng nghĩa chỉ là một số ít cá nhân tinh hoa của dân tộc, quốc gia, nhân loại mà thôi.

    Tập hợp những người đáp ứng được 3 điều kiện đầu tiên có thể gọi là tầng lớp trí thức.

    B- KHÁI NIỆM PHẢN BIỆN XÃ HỘI
    Tôi tán thành nhiều ý kiến trong bài viết của của ông Tô văn Trường về phản biện xã hội (xem http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-12-13-van-hoa-co-ban-va-phan-bien-xa-hoi). Bài viết này cho tôi ý tưởng để đưa ra khái niệm về phản biện xã hội như sau:

    1/ Phản biện là việc thẩm định, đánh giá các ý tưởng, đề án theo những tiêu chí xác định dựa trên các lập luận khoa học và các bằng chứng thực tế.

    2/ Phản biện xã hội là việc phản biện đối với những ý tưởng, đề án có ý nghĩa/tầm ảnh hưởng lớn đến lợi ích chung, đến sự tiến bộ và phát triển của xã hội. Phản biện xã hội thường không chỉ giới hạn ở việc thẩm định, đánh giá ý tưởng, đề án mà còn phát hiện vấn đề, đưa ra các đề xuất, giải pháp hoàn thiện ý tưởng, đề án nhằm mang lại lợi ích chung lớn hơn, hoàn thiện hơn cho xã hội

    3/ Phản biện xã hội là nhu cầu tự thân và là hoạt động đặc thù của tầng lớp trí thức.

    Việc đóng góp ý kiến rộng rãi của các tầng lớp trong xã hội đối với các ý tưởng, đề án, vấn đề xã hội trong nhiều trường hợp là rất sáng suốt, hữu ích, xác đáng…nhưng coi đó cũng là phản biện xã hội như khái niệm đã bàn ở trên thì e rằng có phần hơi gượng ép. Xét về mặt hình thức và mục đích ý nghĩa, hoạt động đóng góp ý kiến rất giống với hoạt động phản biện xã hội. Tuy nhiên ta thấy có một số điểm khác biệt, chẳng hạn như:
    a/ Đối tượng tham gia phản biện: một bên là công dân có ý thức xã hội nói chung và một bên những công dân thuộc tầng lớp trí thức.
    b/ Phương pháp phản biện: hoạt động phản biện xã hội của tầng lớp trí thức là hoạt động đòi hỏi kiến thức sâu rộng, ý kiến đánh giá/thẩm định, các đề xuất/giải pháp phải có có luận cứ khoa học, chặt chẽ. Nói cách khác, sản phẩm của trí thức là sản phẩm khoa học hoàn chỉnh trong khi ý kiến đóng góp của công dân thường chưa đạt đến mức là sản phẩm khoa học và bản thân họ cũng không có đủ năng lực hay điều kiện hay ý muốn để biến nó thành các sản phẩm khoa học.
    c/ Ý tưởng, đề án phản biện của tầng lớp trí thức thường là các vấn đề lớn, phức tạp, có ý nghĩa và tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội và đòi hỏi phải được giải quyết một cách khoa học, không phải mọi vấn đề quan tâm nói chung của công dân.
    Tôi thấy băn khoăn chưa biết nên định danh ra sao. Nếu cho rằng cả 2 hoạt động đó đều là phản biện xã hội thì cũng nên có sự phân biệt, ví dụ như căn cứ vào đối tượng tham gia và phương pháp tiến hành để gọi đó là phản biện xã hội khoa học và phản biện xã hội công dân.
    Tạm thời, cá nhân tôi thiên về lựa chọn phản biện xã hội là hoạt động riêng của trí thức còn việc đóng góp ý kiến của các tầng lớp xã hội khác chỉ nên gọi là ý kiến công dân mà thôi.

    C/ MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ Ý KIẾN CỦA NGÔ BẢO CHÂU:

    Đối chiếu với những khái niệm về trí thức và về phản biện xã hội nêu trên, ý kiến của NBC có nhiều chỗ không chính xác:

    1/ Không có cái gọi là việc phong hàm trí thức kiểu như phong hàm giáo sư. Như trên đã nói, trí thức là sự công nhận của xã hội, không có ai đứng ra phong hàm, cũng không ai có thể vỗ ngực tự xưng mình là trí thức.
    2/ Lao động trí óc là một khái niệm rất thô sơ, đơn giản nhằm phân biệt/phân loại giữa những người lao động sử dụng công cụ chủ yếu là trí óc với những người sử dụng công cụ chủ yếu là sức mạnh cơ bắp (lao động chân tay). Nếu hiểu trí thức chỉ đơn thuần là người lao động trí óc thì thật là thô thiển. Trí thức là những tinh hoa, là tầng lớp riêng trong những người lao động trí óc.
    3/ Phản biện xã hội là trách nhiệm, là thiên chức của những người thuộc tầng lớp trí thức và là nhu cầu, trách nhiệm tự thân của họ, không ai coi đó là chỉ tiêu thi đua và không có ai đứng ra chấm điểm thi đua.
    4/ Phản biện xã hội là một hoạt động, không phải là một sản phẩm. Sản phẩm của phản biện xã hội là các đề xuất, kiến nghị, giải pháp.
    5/ Phản biện xã hội (khoa học) là hoạt động đặc thù của tầng lớp trí thức, không phải ai cũng làm phản biện xã hội được.
    6/ Xã hội có chết lâm sàng thì vì lý do khác, không phải vì không có phản biện xã hội.

    Phát ngôn luôn cần đến sự thận trọng, cân nhắc. Kiểu nói cho có, nói lấy được, nhất là về những vấn đề, lĩnh vực mà mình không am hiểu là điều rất nên tránh.

    Nguyễn văn Đông

  11. […] người có sự hiểu biết, có suy nghĩ độc lập và biết thức tỉnh xã hội” (xem thêm) thì Gowers là một trí thức đáng kính của thế […]

  12. […] thức là những người có sự hiểu biết và biết thức tỉnh xã hội” (theo Giản Tư Trung) thì Gowers là một trí thức đáng kính của thế […]

  13. 30
    hungdm1 Says:

    Trí thức, trước hết là người học cao, biết rộng, hiểu nhiều. Trí thức chỉ chuyên sâu vào chuyên môn, chưa đủ. Trí thức còn phản biện XH, đánh thức XH, hướng dẫn dư luận XH theo hướng tích cực…..
    Cảm ơn TS đã thu thập nhiều bài hay, gía trị.
    —————————–
    UVL: Xin cảm ơn bác đã chia sẽ.

  14. 31
    UVL Says:

    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2012/01/120123_nguyen_hue_chi.shtml

    Giáo sư Nguyễn Huệ Chi bình luận về quan điểm của Giáo sư Ngô Bảo Châu trên truyền thông trong nước về trí thức và vai trò phản biện xã hội.

    Giáo sư Chi cho rằng Giáo sư Bảo Châu đã tự “mâu thuẫn” tuy nhìn chung đã nói không sai về vai trò của trí thức.

    Tuy nhiên, ông cho rằng trí thức chân chính có vai trò và trách nhiệm phản biện xã hội.

    “Đã là trí thức thì phải là người có tầm, có trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội. Cho nên tôi nghĩ phản biện xã hội là chức năng của trí thức, chứ không phải là chức năng của ai hết,” ông nói với BBC hôm 23/01/2012.


RSS Feed for this entry

Bình luận về bài viết này